đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Biệt đội… giành giật sự sống

Đăng ngày 20/08/2013

6 tuổi, Eli Beer (Israel) đã phải chứng kiến một vụ đánh bom. Ông kể lại: “Rất nhiều người bị thương và chết. Một ông lão đã gào ...

6 tuổi, Eli Beer (Israel) đã phải chứng kiến một vụ đánh bom. Ông kể lại: “Rất nhiều người bị thương và chết. Một ông lão đã gào thét cầu xin chúng tôi giúp đỡ. Và chúng tôi thì quá sợ hãi nên đã bỏ chạy”. Ký ức thương đau này lại chính là động lực khiến Eli mong ước làm nghề gì có thể cứu được người. 15 tuổi, Eli tham gia học cấp cứu và trở thành tình nguyện viên cấp cứu tại địa phương. 

Ám ảnh về sự bất lực

Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng, khi ai đó thực sự cần được ứng cứu y tế thật nhanh thì chiếc xe hơi cấp cứu lại không thể đến được, vì kẹt xe, vì khoảng cách quá xa. Ông nhớ lại một kỷ niệm buồn: “Hôm đó, chúng tôi nhận được điện thoại cấp cứu một cậu bé 7 tuổi bị hóc bánh hot dog. Phải mất đến 20 phút sau chúng tôi mới tới nơi. Một bác sĩ ở gần đó, khi nghe có tiếng còi cấp cứu đã kiểm tra cậu bé và bảo chúng tôi ngừng lại. Cậu bé đã chết”. 

“Vào khoảnh khắc đó, tôi hiểu rằng sự có mặt muộn màng của chúng tôi lẫn vị bác sĩ chẳng chút nghĩa lý gì”, Eli cay đắng nói. 

Năm 17 tuổi, Eli táo bạo lập ra một nhóm cấp cứu của riêng mình với dự định sẽ xin thông tin từ cảnh sát về các vụ thảm họa, tai nạn để chạy đến ứng cứu ngay lập tức, tuy nhiên, khi nhóm ông đến đề nghị hỗ trợ trung tâm cấp cứu, trung tâm đuổi ông ra khỏi phòng làm việc. Nhưng Eli Beer đã không dừng lại. Ông tìm mua... hai cái máy dò sóng lậu của cảnh sát và bắt đầu nghe trộm thông tin về các vụ tai nạn tại địa phương. 

Nâng niu mạng sống

Chỉ 1 ngày sau đó, Eli nghe trên sóng báo một ông lão 70 tuổi bị xe tông cách nhà anh chỉ một con đường. Anh lập tức chạy bộ đến, giúp ông lão cầm máu. 15 phút sau, khi xe cấp cứu đến, Eli đã trao cho họ một nạn-nhân-còn-sống. Eli xúc động nhớ lại: “Khi tôi đến thăm ông lão 2 ngày sau đó, ông ôm tôi và khóc, cảm ơn tôi đã cứu sống ông. Vào khoảnh khắc đó, tôi nhận ra đây là người đầu tiên tôi cứu sống trong suốt 2 năm đi làm tình nguyện cấp cứu. Tôi biết, đó là sứ mệnh của cả đời mình”. 

Với khao khát cứu người bị nạn một cách linh hoạt nhất, Eli thành lập tổ chức cứu hộ United Hatzalah - cứu người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Từ 15 thành viên ban đầu, tổ chức đã có 2.000 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên giờ không còn phải “nghe trộm” radio cảnh sát nữa. Họ được cấp ứng dụng GPS trên điện thoại. Đặc biệt, đội cấp cứu của Eli Beer không đi xe hơi cồng kềnh mà dùng xe máy, nhanh chóng đến nơi sơ cứu, ổn định bệnh nhân trong khi chờ xe cấp cứu lớn đưa người về bệnh viện.  

Eli Beer hạnh phúc kể: “Vài năm trước, cha tôi đột qụy, ông được cứu bởi một trong những tình nguyện viên đã tham dự khóa đào tạo đầu tiên của United Hatzalah”. 

Chỉ trong năm 2012, tổ chức của Eli đã cứu 207.000 người. Thay vì cần 10-20 phút để đến hiện trường tai nạn, tình nguyện viên United Hatzalah chỉ cần 3 phút. Có những người đã được cứu bởi tình nguyện viên còn đang... mặc bộ pyjama ngủ. Năm 2010, Eli Beer được tôn vinh là Nhà hoạt động xã hội của năm tại Israel. Hai năm sau, ông là một trong những nhà lãnh đạo của Diễn đàn Kinh tế Trẻ toàn thế giới. Những chiếc xe máy cấp cứu của ông giờ đã có mặt khắp thế giới, tại Mỹ, Australia, Mexico, Panama, Brazil... tiếp tục nhiệm vụ vinh quang của mình.  

                       Khải Đơn (dịch và tổng hợp)






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật