đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Truyền hình thực tế thường lợi dụng những người chơi "không bình thường"?

Đăng ngày 24/06/2021

Truyền hình thực tế luôn cần những nhân vật "khác thường", để tạo nên sự kịch tính, sức hấp dẫn. Chính những nhân vật "lạ thường" ấy mới làm nên sức hút của các show truyền hình thực tế.

Truyền hình thực tế luôn cần những nhân vật "khác thường", để tạo nên sự kịch tính, sức hấp dẫn. Chính những nhân vật "lạ thường" ấy mới làm nên sức hút của các show truyền hình thực tế.


Có những nhân vật xuất hiện với cá tính và phát ngôn quá đỗi lạ lẫm, "khác thường", mà người ta hay nói đùa là "như trên cung trăng". Tùy vào mức độ "khác thường" của các nhân vật này mà khán giả, cộng đồng mạng sẽ có những phản ứng trái chiều.

 

Có những nhân vật bỗng trở nên "nổi tiếng" chỉ sau một đêm, chỉ sau một lần xuất hiện trên sóng truyền hình bởi sự khác biệt so với những chuẩn mực chung của số đông.

 

Truyền hình thực tế thường lợi dụng những người chơi không bình thường? - 1
Có những nhân vật bỗng trở nên "nổi tiếng" chỉ sau một đêm, chỉ sau một lần xuất hiện trên sóng truyền hình bởi sự khác biệt so với những chuẩn mực chung của số đông (Ảnh minh họa).

 

Gặp được những nhân vật độc lạ và dám thể hiện sự độc lạ ấy, nhiều ê-kíp sung sướng như... "bắt được vàng". Khi một người chơi trở nên quá... "lố", tình tiết "lố" thậm chí được khai thác triệt để, nhằm tạo nên sức hấp dẫn cho chương trình. Nhưng nhân vật thì có thể sẽ phải "lãnh đủ" sau đó.

 

Chỉ sau một lần xuất hiện trên show truyền hình, họ bỗng "nổi tiếng" trên mạng xã hội, trở thành đối tượng bị bình luận, gièm pha, nhận đủ những ý kiến trái chiều. Những điều này có thể gây tác động không nhỏ tới tâm lý, sức khỏe, công việc, đời tư của họ.

 

Có người đủ sức vượt qua, rồi quay về với nhịp sống bình thường. Nhưng với những người tâm lý yếu, không đủ nghị lực và sự sáng suốt để vượt qua được những chê bai, miệt thị, bài xích..., thì sao?! Những hệ lụy nào có thể xảy ra với họ? Sang chấn tâm lý? Hay thậm chí còn đáng sợ hơn thế nữa?

 

Từ nhiều năm trước, truyền thông phương Tây đã bắt đầu e dè với sức công phá của các chương trình truyền hình thực tế đối với đời sống của các cá nhân tham gia. Những người này vốn không phải ngôi sao hay người được biết đến.

 

Dù họ có thể đã được biết đến trong một nhóm cộng đồng nào đó, nhưng lại chưa phải người của công chúng, chưa được biết đến nhiều trên diện rộng, khi tham gia show, họ thể hiện những nét độc lạ, khác người của mình, rồi phải nhận về những phản ứng "bão táp" từ khán giả và cộng đồng mạng.

 

Việc người chơi bị sang chấn tâm lý sau một show thực tế đã từng được biết đến, nhưng thậm chí có những người còn... tự sát sau show thực tế. Đó mới là thực tế tàn khốc và đáng sợ nhất.

 

"Truyền hình thực tế tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe tinh thần", "Truyền hình thực tế cần bảo vệ sức khỏe tinh thần cho người chơi", "Vấn đề tâm lý của người tham gia show thực tế: Ai phải chịu trách nhiệm?"...

 

Đó là những tin bài đã xuất hiện rất nhiều trên các tờ tin tức uy tín của Anh và Mỹ - hai quốc gia có nền công nghiệp truyền hình phát triển với các show thực tế ăn khách thuộc nhiều thể loại.

 

Sau cùng, khi một người chơi khác thường, lập dị hoặc quá lố xuất hiện trong chương trình, nhà sản xuất có cần giúp họ tiết chế lại không? Nhà sản xuất có cần giúp họ chuẩn bị cho những cú sốc tâm lý tiềm ẩn đến từ những phản ứng của dư luận không? Hay nhà sản xuất cứ việc mặc sức khai thác, nhấn nhá còn sau đó để mặc người chơi "chịu trận" một mình?

 

Kỳ thực, có những người chơi tỏ ra khác biệt một cách có chủ ý, họ có đủ sự tính toán, đủ sức chịu đựng sóng gió dư luận, nhưng cũng có những người chơi "ngây thơ" hơn, họ thích được biết đến, thích tỏ ra khác biệt, nhưng bản thân lại không có tâm lý vững vàng, thiếu kỹ năng sống, chưa có khả năng đương đầu khủng hoảng...

 

Vậy, trách nhiệm của nhà sản xuất chương trình khi ấy là gì? Họ có thể làm được những gì? Nhà sản xuất rất cần tạo nên những show ăn khách, nhưng nhà sản xuất có cần bảo vệ người chơi khỏi những cú sốc dư luận không?

 

Khi người chơi trong show thực tế qua đời, ai là người phải chịu trách nhiệm?

 

Gia Allemand là một diễn viên, người mẫu tại Mỹ, cô được biết đến nhiều sau khi tham gia hai show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò - tình cảm, đó là "The Bachelor: On the Wings of Love" và "Bachelor Pad" chiếu trên truyền hình Mỹ. Trước khi Gia qua đời ở tuổi 29, gia đình cô đã biết cô có những vấn đề tâm lý bất ổn.

 

Năm 25 tuổi, Gia tham gia show "The Bachelor", trải nghiệm của cô lúc này khá tích cực, dù không chiến thắng nhưng khi ghi hình xong và trở về nhà, mọi người nhận thấy cô vui vẻ, tự tin hơn trước. Vì vậy, khi nhà sản xuất mời cô tham gia tiếp show "Bachelor Pad", Gia đã đồng ý.

 

Truyền hình thực tế thường lợi dụng những người chơi không bình thường? - 2
Gia Allemand là một diễn viên, người mẫu tại Mỹ, cô được biết đến nhiều sau khi tham gia hai show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò - tình cảm.

 

Phần thưởng dành cho người chơi trong show này là 250.000 USD bên cạnh những cơ hội hẹn hò với các ứng viên tham gia show. Thực tế, lúc này, Gia đã có bạn trai. Cô không định tìm cơ hội hẹn hò nghiêm túc tại show, mà muốn có được số tiền thưởng để mở một trung tâm cứu trợ động vật. Cô đã nói rõ chi tiết này ngay từ đầu chương trình và điều này vẫn được chấp nhận.

 

Khi tham gia show, Gia cũng có chút cảm hứng và có trò chuyện tán tỉnh đôi chút với một người chơi nam. Nhưng theo phía gia đình của Gia, cách thức khai thác của chương trình đã khiến cô như thể không còn chung thủy với mối quan hệ đã có từ trước khi bước vào chương trình, và khiến người ta hiểu rằng cô đã phải lòng người chơi nam, sẵn sàng phản bội tình cảm đã có với bạn trai.

 

Chính điều này khởi nguồn cho bi kịch trong đời Gia, bạn trai cô tuyên bố chia tay, Gia quyết định hẹn hò với chàng trai mà cô có hứng thú trong show. Nhưng chuyện này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, rồi sau đó, cô hoàn toàn trượt dốc. Những cơn suy sụp tâm lý nặng bắt đầu xảy ra, đã có những lần Gia tự sát, nhưng gia đình cứu kịp.

 

Sau đấy, Gia tiếp tục nhận lời tham gia mùa 2 của show "Bachelor Pad" ghi hình hồi năm 2011. Nhưng cô sớm xin rút lui sớm sau một thời gian ghi hình với chia sẻ rằng: "Tôi không tham gia được nữa. Tôi cảm thấy kiệt quệ và như đang... chết dần chết mòn".

 

Sau đó 2 năm, Gia qua đời vì tự sát. Giờ đây, nhìn lại sự việc, gia đình của cô tin rằng nếu ngày ấy, họ nỗ lực đưa cô đi điều trị tâm lý để được chẩn bệnh chính xác và điều trị tích cực, có thể mọi chuyện đã khác.

 

Những con số "tử thần" về truyền hình thực tế

 

Bi kịch của Gia Allemand không phải là duy nhất. Theo tờ tin tức dành cho phụ nữ - Refinery 29 (Mỹ), có ít nhất 28 người từng tham gia các show thực tế từng đã qua đời vì tự sát. Trong khi đó, tờ tin tức Metro (Anh) đưa ra con số... 38, với quy mô thống kê bao gồm các show thực tế trên toàn cầu.

 

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2016, có 3 thí sinh từng tham gia các show của "Bachelor" qua đời vì tự sát (Gia Allemand, Lex McAllister và Julien Hug).

 

Trong khi đó, sê-ri truyền hình thực tế "Love Island" của Anh, với nội dung cũng xoay quanh chuyện hẹn hò - tình cảm, cũng phải chứng kiến 2 người chơi từng tham gia show tự sát (Sophie Gradon và Mike Thalassitis), người dẫn chương trình của show - cô Caroline Flack cũng quyên sinh.

 

Truyền hình thực tế thường lợi dụng những người chơi không bình thường? - 3
Truyền thông Anh - Mỹ càng lúc càng nhận thấy có những vấn đề thực sự tồn tại trong các show thực tế (Ảnh minh họa: Các thí sinh từng tham gia show "Love Island" mùa 4).

 

Cần khẳng định rằng nguyên nhân dẫn tới những sự việc bi kịch này có rất nhiều yếu tố, như yếu tố nội tại về tình trạng sức khỏe thể chất - tinh thần của mỗi cá nhân, những vấn đề tồn tại trong công việc - cuộc sống riêng tư của mỗi người... Show thực tế mà họ tham gia không phải nguyên nhân trực tiếp duy nhất dẫn tới quyết định bi kịch.

 

Nhưng truyền thông Anh - Mỹ càng lúc càng nhận thấy có những vấn đề thực sự tồn tại trong các show thực tế. Khi những người chơi vốn chỉ là những người bình thường bất ngờ trở nên nổi tiếng, hoặc thậm chí... "tai tiếng", họ bỗng phải chịu đựng sự chỉ trích, bài xích nhiều khi rất vô tâm, khắc nghiệt từ một bộ phận khán giả và cộng đồng mạng.

 

Nhà báo Amy Kaufman của tờ Los Angeles Times thậm chí đã cho ra đầu sách "Bachelor Nation: Inside the World of America's Favorite Guilty Pleasure" phân tích sâu kỹ các vấn đề mà người tham gia show thực tế thường gặp phải.

 

Khi nữ nhà báo Amy Kaufman phỏng vấn các người chơi, nhà sản xuất, chuyên gia tâm lý về việc liệu show thực tế có phải nguyên nhân dẫn tới những vấn đề tâm lý về sau của người chơi hay không, câu trả lời luôn theo kiểu "con gà - quả trứng".

 

Thật khó để xác định chuyện gì xảy ra trước: Hệ lụy gây ra bởi show thực tế hay vấn đề sức khỏe tinh thần vốn tiềm ẩn trong bản thân người chơi.

 

Một số chuyên gia tin rằng những người được nhà sản xuất lựa chọn tham gia show thực tế vốn đã có những nét khác biệt, thậm chí là một vài vấn đề tâm lý tiềm ẩn.

 

Một nhà sản xuất show thực tế đã chia sẻ với bà Kaufman rằng: "Những người tâm lý vững vàng, ổn định lại thường không phải nhân vật tạo nên những tình tiết hấp dẫn cho show, chính những người có tâm lý khác biệt mới có những độ "phiêu" khác thường trong các tình huống.

 

Chúng tôi thích những người chơi hơi có tính đồng bóng, hơi có vấn đề một chút. Những người luôn từ tốn, chuẩn mực, hành xử chỉn chu, chừng mực lại thường không được chọn, bởi họ không tạo nên sự bất ngờ, sức hấp dẫn. Nhưng những người hành xử có chút "điên rồ" lại rất dễ được chọn vì họ mới là người tạo nên những điều bất ngờ, khó đoán và hiếm thấy".

 

Sau khi xảy ra những vấn đề nghiêm trọng với người chơi tại một số show thực tế, một số chương trình đã mời bác sĩ tâm lý tới hỗ trợ cho các người chơi có nhu cầu tư vấn.

 

Một số show thậm chí còn kiểm tra sức khỏe tinh thần của người chơi trước khi chính thức hợp tác, đây là một biện pháp an toàn nhằm loại bớt những người chơi không có đủ sự vững vàng tâm lý đến từ những áp lực của một show thực tế.

 

Truyền hình thực tế thường lợi dụng những người chơi không bình thường? - 4
Có những người tâm lý không vững vẫn vượt qua bài kiểm tra tâm lý, nhưng điều đó không có nghĩa là ê-kíp không biết người chơi đó vốn có tâm lý không vững vàng (Ảnh minh họa: Các thí sinh tham gia show "Survivor" mùa thứ 39).

 

Bác sĩ tâm lý Richard Levak từng giúp các show thực tế của Mỹ như "Survivor" hay "Big Brother" lựa chọn người chơi, ông Levak cho hay: "Tôi không bao giờ nói thẳng rằng người chơi này không đủ sức bền tâm lý, mà sẽ nói người này có thể sẽ không ổn nếu gặp phải nhiều căng thẳng. Tôi hy vọng nhà sản xuất sẽ lắng nghe, và thường thì họ sẽ nghe theo các tín hiệu của tôi".

 

Anh Michael Carroll, một cựu trợ lý của show "The Bachelor" chia sẻ với nữ nhà báo Kaufman rằng: "Những bài kiểm tra tâm lý là một phép thử cần phải vượt qua, nhưng ngay từ khi tiếp xúc với các ứng viên để lựa chọn, ê-kíp tuyển chọn đã nhìn ra nét riêng của từng người.

 

Có những người tâm lý không vững vẫn vượt qua bài kiểm tra tâm lý, nhưng điều đó không có nghĩa là ê-kíp không biết người chơi đó vốn có tâm lý không vững vàng".

 

Mẹ của cô Gia Allemand - bà Donna Micheletti biết rằng con gái mình vốn có những vấn đề tâm lý và những vấn đề ấy trở nên trầm trọng hơn sau khi cô tham gia show thực tế "Bachelor Pad", nhưng bà không đổ lỗi cho nhà sản xuất show này:

 

"Họ có lợi dụng những nét tâm lý, tính cách bất ổn của con gái tôi không? Có! Nhưng tôi hiểu đó là công việc của họ. Còn một khi ta đã hiểu rằng việc tham gia show có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống của mình, vậy thì ngay từ đầu ta đã không nên đăng ký tham gia".

 

Bà Donna thương con gái rất nhiều, nhưng bà biết rằng con mình phải tự chịu trách nhiệm cho những hành động và quyết định của bản thân: "Đáng lẽ con gái tôi không nên tham gia show thực tế khi bản thân con vốn có vấn đề tâm lý, con tôi đã lựa chọn sai lầm".

 

Dù vậy, tiến sĩ tâm lý Walter J. Torres không đồng tình: "Người ta tham gia các show này bởi mong mình sẽ được biết tới nhiều hơn, cải thiện vị trí và hình ảnh của bản thân trong công việc, trong cuộc sống. Họ không bao giờ hình dung trước rằng mình phải chịu đựng sự chế nhạo, họ không lường trước được tình huống xấu và vì vậy họ trở nên rất đau khổ khi tình huống xấu xảy ra".

 

Cô Becky Steenhoek, một người từng tham gia sản xuất show "The Bachelorette" nhận định: "Các nhà sản xuất show truyền hình thực tế rất giỏi trong việc thao túng nhận thức và tâm lý của người chơi hay thậm chí là ê-kíp sản xuất chương trình. Nhiều người sẽ nói rằng, nếu người chơi không đương đầu được với các vấn đề, vậy thì đừng đăng ký tham gia nữa.

 

Tuy vậy, tôi không nghĩ đó là cách tư duy hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề sức khỏe tinh thần không nên bị xem nhẹ hoặc thậm chí bị lợi dụng, bị thao túng để phục vụ cho lợi ích của một chương trình, chỉ để nhằm nâng cao tỷ suất người xem".

 

(Dantri)






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật