đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Mùa nấm mối

Đăng ngày 09/01/2024

Sau những đợt mưa nắng bất chợt, trời xổ gió bấc mang theo những cơn mưa lạnh cũng là lúc vào mùa nấm mối.

Sau những đợt mưa nắng bất chợt, trời xổ gió bấc mang theo những cơn mưa lạnh cũng là lúc vào mùa nấm mối.


Mỗi năm một lần, cứ đến tháng 10 âm lịch, người dân tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên lại ngóng trông nấm mọc để đi "nhổ" nấm, trước là về ăn cho đã thèm suốt một năm chờ đợi, sau là để bán kiếm tiền tiêu qua mùa mưa.

 

Mùa nấm mối- Ảnh 1.
Nấm mối

 

Nấm mối không thể nuôi trồng vì chúng sinh sản tại những nơi có cồn mối cũ, ưa nơi nhiều lá ủ, độ ẩm cao, thường mọc theo từng cụm. Tai nấm nhỏ hơn lòng bàn tay, hình dáng như những chiếc ô, thân nấm màu trắng, mũ nấm khi còn bum búp có màu nâu nhạt, khi nở có màu trắng.

 

Nấm mối mới nhổ về đem đi làm sạch phần đất dưới chân. Thay vì dùng dao, người dân ở đây thường dùng miếng thân cây mò o dát mỏng cho bén rồi cạo đất chân nấm, họ quan niệm rằng nếu dùng vật kim loại sắc nhọn thì sẽ "sát nấm", năm sau sẽ không nhổ được nấm nữa.

 

Sau khi làm sạch đất, nấm được rửa cho thật sạch, kẹp nấm giữa kẽ hai ngón tay, dội nhẹ trên và dưới phần mũ cho sạch đất, thao tác phải thật nhẹ nhàng, nếu không nấm bị dập, bị ngấm nước sẽ không ngon ngọt, sau đó để cho ráo nước rồi chế biến món ăn.

 

Nấm mối làm được rất nhiều món như nấm nấu ngọt, nấm đúc bánh xèo, nấm nấu cháo hoặc nấm nướng… Vốn dĩ ngọt thơm sẵn nên nấm mối chẳng cần chế biến cầu kỳ. Trong đó, nấm nấu ngọt với ớt xiêm có lẽ là món ăn giản dị, gần gũi, thân thuộc nhất với người Phú Yên.

 

Nấm xé miếng vừa ăn, phi ít hành cho thơm rồi cho vào đảo đều, thêm ít muối hột, xíu nước rồi nấu cho chín dậy mùi thơm, sau cùng cho ớt xiêm giã dập là tròn vị. Sau một ngày dầm rừng nhổ nấm, tiết trời se se lạnh, được thưởng thức một tô canh nấm chính tay mình nhổ, ấm hết cả bụng.

 

Đến mùa nấm mối, người người đua nhau đi kiếm quên cả mưa gió lạnh lẽo, câu đùa "ham như ham nấm" quả không sai. Đi kiếm nấm từ lúc trời chưa sáng, trên tay là một bịch nấm tầm 4 kg, anh Nguyễn Hữu Thắng (trú xã Xuân Quang 3, H.Đồng Xuân, Phú Yên) chia sẻ: "Tôi đi từ lúc trời còn chưa sáng, tầm ấy mới nhổ được nấm ngon, lúc này nấm vừa búp ăn rất giòn và ngọt, đem bán cũng được giá cao hơn là nấm đã nở. Vả lại, tầm này soi đèn pin dễ thấy nấm hơn, chứ chờ trời sáng mới đi, người khác nhổ hết còn đâu".

 

Không chỉ nhổ nấm về ăn, nhiều người còn kiếm ra tiền từ việc nhổ nấm để bán. Nấm mối đầu mùa có giá từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, nếu gặp may người nhổ nấm có thể kiếm vài trăm đến cả triệu đồng nhờ nấm.






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật