đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

“Chiến tranh” vì... hào phóng

Đăng ngày 12/05/2013

Tình cờ phát hiện vợ lập tài khoản riêng, vẫn đều đặn gửi tiền về cho gia đình, anh Lâm Thanh Bình (31 tuổi, Q. 2, TP. HCM) rất tức giận ...

Tình cờ phát hiện vợ lập tài khoản riêng, vẫn đều đặn gửi tiền về cho gia đình, anh Lâm Thanh Bình (31 tuổi, Q. 2, TP. HCM) rất tức giận và cảm thấy mình đang bị vợ lừa dối. 

Bất hòa do... lệch thỏa thuận

Từ lúc mới cưới, anh với vợ đã thỏa thuận dùng tiền lương của chị để trang trải ăn uống, sinh hoạt và dành một khoản cố định cho cha mẹ hai bên. Còn riêng tiền lương của anh sẽ để gửi tiết kiệm. Thấy kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm như vậy là hợp lý, anh Bình đưa thẻ ATM của mình cho vợ giữ, bản thân anh chi dùng dè sẻn bằng món tiền thưởng thỉnh thoảng nhận được và tiền tăng ca hàng tháng. 

Thế nhưng, mới đây anh tình cờ phát hiện, ngoài số tiền vợ chồng thỏa thuận cho bố mẹ hai bên, chị vẫn lén lút gửi tiền cho nhà vợ bằng một tài khoản riêng. Anh Bình cho rằng anh đâu phải người hẹp hòi gì, tại sao chị lại phải giấu anh để gửi tiền về nhà như vậy. Cảm giác bực bội và tự ái không ngăn được việc anh Bình nói chuyện lớn tiếng với vợ. Chị cho rằng số tiền chị cho bố mẹ là tiền từ việc kiếm thêm ngoài công việc chính nên chị có toàn quyền xử lý. Anh hỏi thế sao chị không công khai. Chị bảo không muốn anh bận tâm. Lời lẽ có phần mâu thuẫn của chị càng khiến anh bực bội. Lời qua tiếng lại một hồi, rồi “chuyện nọ xọ chuyện kia”, rốt cuộc vợ chồng cãi nhau một trận nảy lửa. Chị còn dọa ly hôn. Anh bảo chị ly hôn thì sẽ mất con vì thằng nhóc con chị vẫn mến ông bà nội hơn mẹ nó. Đến đây thì chị Mai mới chịu xuống nước. 

Sứt mẻ tình thân

Dẫu biết việc giúp đỡ bố mẹ, người thân là việc nên làm với bất cứ ai. Tuy nhiên, việc đó nên thận trọng bởi khi không công khai với bạn đời, nó tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu lầm hoặc khiến người kia nghĩ rằng bạn đời qua mặt, không tôn trọng mình mà sinh chuyện rầy rà, không hay. 

Chị Ngọc Trâm (43 tuổi, Q. Gò Vấp, TP. HCM) tình cờ có việc ghé qua công ty xây dựng của chồng, do cửa phòng của anh chỉ đóng hờ nên chị đã nghe được hết cuộc nói chuyện giữa anh và đứa cháu gái. Chồng chị đang thuyết phục cô cháu gái học liên thông lên đại học và “cậu sẽ tài trợ toàn bộ tiền học”. Nghe vậy chị Trâm tức tối. Thầm nghĩ đứa cháu gái 25-26 tuổi đầu, có công ăn việc làm tử tế, không biết tự lo cho bản thân hay sao mà chồng lại phải “nhiệt tình” giúp đỡ. Chị điều tra thêm thì biết, không những “đài thọ” cho đứa cháu gái tiền học, chồng chị còn dấm dúi cho cháu tiền tiêu hàng tháng. “Không phải tiếc tiền nhưng hành động này của chồng làm tôi thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương. Tại sao anh phải giấu giếm cho cháu như vậy? Chị vẫn hay tính toán tiền bạc, chuyện chi tiêu của gia đình nhưng đâu đến mức là người hẹp hòi, ích kỷ. Rồi các cháu sẽ nghĩ như thế nào về mợ nó?”, chị Trâm bộc bạch. Nhưng nghĩ chuyện tiền bạc khá tế nhị nên khi chồng không nói gì, chị cũng không thể lên tiếng về việc mình đã vô tình nghe lén. Chính vì chuyện cứ để trong lòng nên càng làm chị thấy ấm ức, bực bội, tình cảm của chị dành cho chồng và mối quan hệ với cháu gái vì vậy mà ít nhiều bị suy suyển. 

Im lặng không phải cách

Đa số người Việt đều cho rằng chuyện tiền bạc là tế nhị, nên khi phát hiện bạn đời “lén” cho tiền người thân, nhiều người sợ mất lòng chồng/vợ nên sẽ không nói ra. Nhưng việc chịu đựng càng khiến người phát hiện thêm bức bối, khó chịu và rốt cuộc cũng làm ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng, như trường hợp của chị Trâm kể trên. Chuyên viên tham vấn tâm lý - Ngô Minh Uy, Giám đốc công ty Tư vấn và Giáo dục WE Link cho rằng khi phát hiện đối phương “lén” cho tiền người thân, việc nói ra sẽ tốt hơn. Người vợ/chồng không hài lòng khi phát hiện không phải là vì chuyện cho tiền hay không mà là chuyện họ không biết việc này xảy ra, nên sẽ có cảm giác bị tổn thương vì nghĩ bạn đời thiếu tôn trọng, tin tưởng mình, khó tránh việc ảnh hưởng tới tình cảm đôi bên. 

Cách giải quyết tốt nhất là giao tiếp, đối thoại một cách nghiêm túc giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên, cần tránh việc chỉ trích, nên giữ bình tĩnh để tránh người này càng nói càng khiến người kia hiểu lầm thì lại thêm nguy hiểm. 

Nếu chỉ thỉnh thoảng cho người thân một món tiền nhỏ thì có thể không cần thiết phải “trình báo” nhưng một khi đã cho định kỳ, cần có sự thống nhất của cả hai. Không nên giấu vì trước sau gì người kia cũng biết và với họ đó sẽ là một sự tổn thương lớn. Khi cưới, bạn cần có bảng hoạch định tài chính gia đình và cả hai cần có ý thức tôn trọng nó từ đầu, mọi thứ vượt ra ngoài bảng hoạch định nên tìm cách chia sẻ với vợ/chồng để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về tình cảm có thể. 

Huy Nguyên

(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật