đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Nỗi "thống khổ" của người dân phía sau hộp sữa sạch TH True Milk

Đăng ngày 25/05/2016

Sự hào nhoáng qua việc quảng cáo thì ít sản phẩm sữa nào qua được Công ty CP TH True Milk (TH True Milk). Tuy nhiên, bên cạnh vẻ hào nhoáng đó là hàng trăm hộ dân đang hàng ngày sống trong nỗi thống khổ ô nhiễm môi trường mà đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để… Đó là những bức xúc mà công dân ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phản ánh
Sự hào nhoáng qua việc quảng cáo thì ít sản phẩm sữa nào qua được Công ty CP TH True Milk (TH True Milk). Tuy nhiên, bên cạnh vẻ hào nhoáng đó là hàng trăm hộ dân đang hàng ngày sống trong nỗi thống khổ ô nhiễm môi trường mà đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để… Đó là những bức xúc mà công dân ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phản ánh

người dân chỉ điểm phân bò chảy xuống các nhà dân mỗi khi có mưa

Bỏ xứ đi vì... phân bò'
 
Trong cái nắng gay gắt của ngày đầu tháng 6, chúng tôi vượt khoảng 300km từ Hà Nội đến Nghĩa Đàn để tìm hiểu rõ những bức xúc của người dân. Trên đường Hồ Chí Minh, đi tới gần khu vực nhà máy của TH True Milk, tạt vào quán nước ven đường, hỏi về sữa, chúng tôi đã được nghe không ít điều tiếng về sản phẩm cũng như nỗi khổ của người dân ở xung quanh trang trại bò sữa nơi đây.
 
Câu chuyện về sản phẩm sữa TH True Milk với chị bán nước bên đường đang ở cao trào thì một người đàn ông đứng tuổi từ phía bên kia con dốc tạt vào uống nước chen ngang với giọng đầy nỗi niềm: "Dân vùng này khổ lắm chứ không sướng gì đâu. Đấy, các chú xem, dọc tuyến đường là pa nô, khẩu hiệu, nào là nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, sữa tươi sạch, thực sự thiên nhiên, công nghệ tiên tiến nhất thế giới... Nhưng bao nhiêu gia đình ở Tân Lâm, Đông Lâm phải bỏ đi vì hàng ngày mùi phân từ hơn 40.000 con bò thải ra bốc lên hôi thối không chịu được".
 
Con đường dẫn vào khu trang trại là những đồng cỏ xanh mướt, phía trên những quả đồi, cây cối xanh mang lại cảm giác yên bình. Đi gần đến Tân Lâm, chúng tôi mới bắt đầu cảm nhận thấy khó chịu bởi mùi hôi. Chợt một cơn gió thoảng qua, tưởng chừng phần nào xua đi cái nắng bỏng rát ở nơi vùng núi, nhưng oái oăm thay, kèm theo đó càng thêm mùi nồng nặc. Càng đi sâu về phía khu dân cư, không khí càng trở nên đặc quánh.
 
Chúng tôi tiếp cận ngôi nhà đầu tiên tại thôn Tân Lâm là hai vợ chồng chị Lan - Nhâm, thấy người lạ cầm máy ảnh, chị Lan từ phía sân ra cạnh tường rào nức nở: “Hai vợ chồng về đây khai hoang phát rẫy từ những năm 1985 - 1986, gây dựng nhà cửa, làm ăn từ đó đến nay. Gia đình phải xin đi khỏi mảnh đất này vì hôi thối quá, khổ quá, không chịu đựng được. Khu đất thổ cư của gia đình rộng 3.300m2 cộng với đất nương rẫy, trồng ngô, khoai nhưng đến nay đền bù tất cả cũng chỉ được hơn 600 triệu đồng. Số tiền này không đủ để mua mảnh đất khác để ở nên nấn ná giờ này vẫn phải ở đây”.
 
Trên khóe mắt chị Lan rơm rớm nước mắt khi kể về đứa con trai lớn mới bị tai nạn, kể về cuộc sống bình yên mấy chục năm qua, để rồi một ngày anh chị phải “tự nguyện” rời xa mảnh đất mà mất bao công sức gây dựng nên. Chị Lan nghẹn ngào: “Tôi cúng cho hương hồn cháu yên ấm. Nay mai vợ chồng tôi cũng phải đi thôi…”. Nghe những câu nói ấy, chúng tôi phần nào hiểu được tâm trạng của vợ chồng họ, khi mà mấy ngàn mét vuông đất chỉ được đền bù có vài trăm triệu để rồi lo cuộc sống mới với nhà cửa, con cái và lấy đất ở đâu để trồng trọt, chăn nuôi.
 
Cũng tại xóm Tân Lâm, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều thông tin bức xúc về tình trạng ô nhiễm từ trang trại bò sữa của TH True Milk. Một người dân cho biết, do khu vực nhà dân ở phía dưới, trại bò ở phía trên, khoảng cách chỉ là hàng rào và con đường đất nên trước đó, vào khoảng tháng 8/2014, đã từng xảy ra tình trạng nước phân từ trang trại sau những trận mưa lớn đã tràn vào nhà khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
“Bài toán” môi trường chưa có lời giải?
 
Bò được đưa vào vắt sữa tại trang trại bò sữa số 3
 
Gặp gỡ thêm nhiều người dân, chúng tôi lại càng hiểu sâu thêm cuộc sống của họ và đặc biệt là những tình huống dở khóc, dở cười vì… phân bò. Theo người dân địa phương, chuyện bị phân, nước phân bắn vào người trong những năm qua là thường vì xe chở phân lên khu vực hố chứa không che chắn cẩn thận, đường lắm ổ trâu, ổ voi. Anh P., người dân thôn Đông Lâm (xã Nghĩa Lâm) chia sẻ: “Nhiều cháu đi học, bị xe tải chở cả thùng hàng vài tấn phân đi qua, bắn phân vào người. Hay đường xấu, mưa trơn trượt ngã là dính phân rơi vãi. Cháu nhà tôi đi học về kể có cô giáo bị Hiệu trưởng mắng vì đến lớp muộn do dính phân bò phải về thay quần áo…”.
 
Cũng theo người dân, đến nay, tình trạng rơi vãi phân bò trên đường, xe tải chạy qua bắn vào người tham gia giao thông đã phần nào được hạn chế. Do quá bức xúc, người dân đã phản ánh đến chính quyền địa phương và lãnh đạo TH True Milk. Sau đó, nhà máy sữa đã sử dụng xe chuyên dụng và chạy theo giờ quy định.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, một vấn đề “nóng” là đến nay, khoảng 600 hộ dân thuộc 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Đàn) phải sống trong vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước. Người dân bày tỏ sự lo lắng về nguồn nước sinh hoạt hàng ngày bởi khu dân cư nằm dưới những hố phân “treo” trên đồi Cù Lăng (Nghĩa Lâm) có thể sạt lở, vỡ bất kỳ lúc nào. Trên thực tế, trước đó, vào tháng 9/2013 đã xảy ra vỡ hố chứa phân khiến hàng chục khối phân bò tràn xuống qua ao cá, lấp lúa, hoa màu của dân và tràn vào nhà dân gây ô nhiễm môi trường.Người dân chỉ cho phóng viên điểm phân bò chảy xuống các nhà dân mỗi khi có mưa.
 
Một người dân thôn Đông Lâm (xin được giấu tên) đang trong quá trình chuyển đi nơi ở mới cho biết: “Chúng tôi không dám ăn uống, nấu nướng bằng nước giếng mà phải mua bình nước lọc để dùng. Nước cứ màu nhờ nhờ, mùi hôi tanh, ăn bát cơm mà thấy gờn gợn. Khi được thông tin, TH True Milk có xuống khảo sát thực tế và hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình một cái téc đựng nước mưa, nhưng tằn tiện lắm cũng chỉ dùng được hơn tháng là hết”…
 
Trong buổi làm việc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn đánh giá cao về mô hình chăn nuôi bò sữa của TH, đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nhà. Hiện nay, huyện đã bàn giao cho dự án 400 - 500ha đất để đầu tư phục vụ chăn nuôi... Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Sơn thừa nhận đây là nỗi trăn trở của huyện.
 
Ông Sơn cho biết, đã là dự án thì buộc phải qua các khâu đánh giá tác động môi trường, theo Luật Môi trường. TH True Milk có đủ giấy tờ, đăng ký theo quy định. Trong quá trình triển khai, mở rộng dự án xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc, đây là vấn đề mà UBND huyện Nghĩa Đàn đặc biệt quan tâm. Để giải quyết những bức xúc của bà con ở xã Nghĩa Lâm về vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND huyện đã đề nghị TH True Milk phối hợp trong việc di dời, tái định cư cho người dân. Trong việc này, hiện ở Tân Lâm, Đông Lâm đã có 25 hộ di dời, còn lại hơn 50 hộ nữa đang tiếp tục tìm đất ở, đất canh tác.
 
Vị Chủ tịch huyện cũng cho biết, TH True Milk đã chi hàng chục tỷ đồng để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe về lâu dài, trong thời gian tới sẽ phải di dời toàn bộ khu dân cư ở các xã xung quanh trang trại bò với khoảng 650 hộ dân. Vẫn biết tái định cư là hợp lý, nhưng để chuyển hàng trăm hộ dân như vậy thì vô cùng khó khăn...
 
Phía sau những hộp sữa sạch của TH True Milk vẫn là hàng trăm hộ dân ngày đêm đang sống trong sự “tra tấn” của phân bò. Đây là “bài toán” môi trường mà nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vẫn loay hoay chưa thể đưa ra lời giải. Để kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại một phần bức tâm thư của một cô giáo tên Trâm (ở Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn) gửi bà Thái Thị Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk với những lời đau đáu: “Về hình ảnh người cha già chứng kiến cái chết của 2 đứa con trẻ tuổi vì căn bệnh ung thư; Những dòng sông, con đập chứa nguồn nước nuôi sống người dân, cây cối hoa màu bị chứa đầy chất thải của trang trại bò; Hàng trăm người dân chịu cảnh côn trùng quấy rầy, phải đeo khẩu trang khi ngủ… Hơn thế, còn những em nhỏ - một thế hệ tương lai đang hàng ngày, hàng giờ

phải sống trong một môi trường quá ô nhiễm. Liệu các em có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác? Hãy thử đặt mình trong hoàn cảnh đó và liệu mình có thể để yên như vậy khi hàng ngày chứng kiến người thân của mình ra đi hay không”.

Nguồn: Kinh tế và đô thị





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật