đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Cố níu màu Tết Sài Gòn xưa

Đăng ngày 07/02/2016

Đất Sài Gòn từng nổi tiếng với “Mười tám thôn vườn trầu” ở Hóc Môn, có làng hoa Gò Vấp trứ danh mỗi dịp xuân về. Theo dòng thời gian, vườn trầu nay chỉ còn là dĩ vãng của một thời xa vắng.
Đất Sài Gòn từng nổi tiếng với “Mười tám thôn vườn trầu” ở Hóc Môn, có làng hoa Gò Vấp trứ danh mỗi dịp xuân về. Theo dòng thời gian, vườn trầu nay chỉ còn là dĩ vãng của một thời xa vắng.
 
Làng hoa Gò Vấp thì đang cố sức giành giật lại chút màu tết xưa.
 
Ký ức
 
Lật lại cuốn phim mang tên ký ức, Gò Vấp xưa từng gắn liền tên tuổi với một vùng đất trù phú, quanh năm thơm ngát, ngập tràn sắc hoa trên một dải đất rộng hàng trăm hecta.
 
Hoa Gò Vấp từng là một thương hiệu, là thói quen mua sắm của người Sài Gòn mỗi độ tết về, nghệ nhân Hoàng Trọng, ngụ giữa trung tâm làng hoa Gò Vấp, chia sẻ.
 
Theo nghệ nhân Hoàng Trọng, làng hoa Gò Vấp ra đời không bao lâu so với làng trầu cau của “Mười tám thôn vườn trầu” ở Bà Điểm, nhưng ở thời kỳ phồn thịnh, vào mùa trồng hoa xuân, ngay cả nơi được mệnh danh là vương quốc hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) cũng phải đổ về đây để lùng mua giống lạ.
 
“Ngày ấy, cứ tầm độ 15 tháng chạp trở đi, người dân sinh sống ở thành phố lại lũ lượt kéo đến khu vực làng hoa để săn tìm những chậu bông đẹp nhất, tươi nhất để mang về chưng tết”.
 
“Có lúc, trên mọi nẻo đường vẫn còn là đất đá chứ chưa được trải nhựa, tiếng vó ngựa, tiếng xe bò cứ “lóc cóc” cả đêm, nhẹ nhàng ăn sâu vào tâm trí của người làng hoa như một thứ âm thanh đặc trưng của tết” - nghệ nhân Hoàng Trọng bồi hồi nhớ lại.
 
Bonsai ngày nay đã dần dần trở thành một thương hiệu mới của làng hoa Gò Vấp.
 
Còn theo cô Sáu (vợ nghệ nhân Hoàng Trọng), hồi đó, hoa được trồng ở làng nhiều vô kể, từ chậu cúc bình dị đến những chậu kiểng được nhào nặn đủ thế đều được tìm thấy ở đây.
 
Mỗi đứa trong nhà là một loài hoa, trẻ con sinh ra và lớn lên đều gắn liền cuộc sống với hoa. Là anh Mai, cô Lan, chị Đào, bé Lan… tiếp nối công việc tô màu cho cuộc sống.

Biến tấu
 
Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng hoa Gò Vấp là những năm 90 của thế kỷ trước, nó kéo dài đến khoảng những năm 2000 – 2001 thì dần dần đi xuống do phải gặp phải san sẻ thị phần cho các nguồn hoa từ Sa Đéc, Cái Mơn đưa lên, và đặc biệt nguồn hoa phong phú từ xứ sở hoa Đà Lạt tràn xuống.
 
Từ chỗ có tới hơn hàng trăm hecta đất trồng hoa thì đến giai đoạn này, diện tích đất giảm xuống chỉ còn khoảng một phần năm. Để hoa cảnh dần lui vào ký ức và thay thế bằng nhà cao tầng, công ty, xí nghiệp.
 
Những nghệ nhân năm nào cũng dần chuyển đổi ngành nghề như một nhu cầu tất yếu. Những cánh đồng bát ngát tràn ngập sắc màu chỉ còn lại trong những miền ký ức xa xôi, người làm nghề chỉ còn biết lưu giữ lại qua những chậu kiểng lọt thỏm nhỏ nơi vườn nhà.
 
Theo nghệ nhân Hoàng Trọng, những năm gần đây, để tồn tại được trước sức cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều thị trường hoa kiểng, các hộ kinh doanh tại đây đang dần dần chuyển hướng sang trồng bonsai.
 
Một khu đất rộng cũng được chuyển đổi thành công viên mang tên “Công viên làng hoa Gò Vấp” nhằm phục hưng lại một thương hiệu năm nào.
 
Đất không phụ lòng người, dân làng hoa không phụ cái tiếng của làng, bằng chứng là những nghệ nhân trồng bonsai ở làng hoa Gò Vấp ngày càng nổi danh, được không ít những nhà vườn ở miệt Cái Mơn, Sa Đéc tìm đến học hỏi.
 
“Chuyện dân làng hoa trồng bonsai dần nổi tiếng khắp nước thực ra là chuyện không có gì phải bàn. Bởi nơi đây vừa có gốc, có rễ lại vừa có công nghệ, có điều kiện tiếp xúc với sách vở, giống má hơn các nơi khác”.
 
“Tuy nhiên, cái được nhiều nhất của chuyện biến tấu này chính là đã lưu giữ lại phần nào cái hồn của “màu tết” xưa của người Sài Gòn. Theo đó, cứ đến tầm này người dân Sài Gòn lại đổ về làng hoa, như một thói quen sắm tết có từ hàng thế kỷ”, nghệ nhân Hoàng Trọng chia sẻ.
 
Cô Sáu thì suy nghĩ thực dụng hơn, cái được lớn nhất khi biến tấu từ hoa rậy sang hoa chậu (bonsai) là hiệu quả kinh tế nâng lên thấy rõ. “Từ ngày cả nhà chuyển qua làm bonsai ngoài mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng bán hoa, gia đình tui cũng kiếm hơn nửa từng ấy tiền nhờ vào nhận chăm sóc cây kiểng. Cuộc sống sung túc thấy rõ” - cô Sáu cười.
 
Xuân Bính Thân 2016 đang đến gần, không còn nữa những cánh đồng bạt ngàn hoa sắc nhưng Gò Vấp ngày nay đang mang trên mình một diện mạo mới của một vườn bonsai kiểng có tiếng.
 
Làng hoa Gò Vấp tuy chỉ còn là dĩ vãng của một thời xa vắng, nhưng khu vực quanh làng hoa năm nào vẫn là địa điểm đặc biệt được người Sài Gòn lui tới mỗi độ tết đến xuân về.

Theo Nam Đức (TGTT)





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật