đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Khi đồng nghiệp cùng giới tỏ tình

Đăng ngày 06/12/2013

Chuyện tình cảm luôn là vấn đề... nan giải. Một người khác giới tỏ tình, muốn từ chối khéo để giữ tình đồng nghiệp đã khó, huống ...


Chuyện tình cảm luôn là vấn đề... nan giải. Một người khác giới tỏ tình, muốn từ chối khéo để giữ tình đồng nghiệp đã khó, huống hồ là người cùng giới. Từng là “người trong cuộc”, các bạn trẻ dưới đây đã có cách ứng xử rất riêng và đã thành công. Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ đấy.


Đặng Thị Hồng Nga (23 tuổi, chuyên viên trang điểm):

“Đi dạy trang điểm, thỉnh thoảng mình được một số bạn nữ hơi “tomboy” một chút bày tỏ sự quan tâm như mua đồ ăn hay tặng quà, rủ đi chơi sau giờ học. Ban đầu mình nghĩ đó cũng chỉ là tình thầy - trò đơn thuần, nhưng khi họ chủ động nhắn tin tỏ tình thì mình sốc. Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm, mình hay né tránh, thậm chí “phân biệt đối xử”, kết quả là bạn học viên đó nghỉ học, rồi liên tục “khủng bố tinh thần” mình qua điện thoại. Về sau mình tinh tế hơn, cho họ thấy là mình đã có bạn trai, vẫn hướng dẫn họ học hành nghiêm túc, ít nói hơn về bản thân mình. Từ từ họ hiểu ra và rút lui”. 


Đỗ Quý Toàn (26 tuổi, kiến trúc sư):

“Mình có khá nhiều đồng nghiệp thuộc giới tính thứ 3. Không ít lần mình gặp phải tình huống khó xử vì có người cứ nhờ mình làm việc này việc nọ rồi tranh thủ ngồi sát mình hay hẹn gặp để nói chuyện công việc nhưng sau đó lại hỏi mình thích nam hay nữ, đang nói chuyện thì đột nhiên… nắm tay. Lúc đó mình không tỏ ra sợ hãi, cũng không phản ứng gì, chỉ lảng sang chủ đề khác và nhân lúc họ không để ý thì rụt tay lại. Theo mình, nếu muốn từ chối tình cảm của đồng nghiệp cùng giới, bạn hãy từ chối họ như cách mà bạn từ chối một người khác giới. Đừng tỏ ra kỳ thị, khó chịu hoặc lảng tránh họ. Bạn càng phản ứng mạnh, họ sẽ càng thích chinh phục”.


Lê Nhật Long (24 tuổi, nhân viên IT):

“Mình không kỳ thị người đồng tính nhưng đôi khi cảm thấy ái ngại với cách thể hiện tình cảm quá vồ vập của họ. Vì vậy, khi một đồng nghiệp đột nhiên tỏ vẻ thân mật, dùng những từ ngữ tán tỉnh và tìm cách… đụng chạm cơ thể thì mình rất bất ngờ và sợ. Tuy nhiên, mình không tỏ vẻ sợ sệt cho người đó thấy và cũng không tìm cách lảng tránh hoặc “cắt đứt” luôn tình đồng nghiệp, mà mình đã giải thích cho người đó hiểu rằng mình không thuộc giới tính thứ 3. Vì vậy, dù chưa có người yêu, mình cũng không thể đáp lại tình cảm của anh ấy được. Nhờ thẳng thắn và dứt khoát mà tình đồng nghiệp giữa hai đứa vẫn rất tốt”.


Bí quyết cho bạn

Tỉnh táo “hậu tỏ tình”

Bên cạnh những kinh nghiệm mà 3 người trong cuộc chia sẻ ở trang bên, bạn nên  “bỏ túi” thêm  một vài điều sau để vẫn  giữ được tình đồng nghiệp sau khi từ chối đối phương: 

• Không lảng tránh, chửi bới mà hãy cư xử với người ấy như cách mà bạn thể hiện trước đây. 

• Khi cần làm việc chung, bạn nên cùng người ấy bàn luận nghiêm túc về công việc. Nếu không cảm thấy thoải mái khi đối thoại, có thể rủ thêm một đồng nghiệp cùng tham gia để tự tin hơn. 

• Hãy tỏ thái độ hợp tác và giúp đỡ, nhìn thẳng vào người ấy khi trò chuyện và thi thoảng nói những lời hỏi thăm xã giao để người ấy thấy mình không bị kỳ thị. 

• Không đùa cợt, trêu chọc hoặc gán ghép người ấy với bất kỳ ai. 

• Tuyệt đối không đi chơi riêng. Khi trong văn phòng chỉ có hai người, nếu bạn cảm thấy không thoải mái, có thể ra ngoài. Tuy nhiên, đừng tỏ vẻ khó chịu ra mặt kẻo người ấy tức giận và công kích bạn.

• Đừng công khai chuyện người ấy thuộc giới tính thứ 3 và tán tỉnh bạn cho ai khác để người ấy cảm thấy được bạn tôn trọng.

• Tỏ thái độ dứt khoát và nghiêm túc. Nếu người ấy tiếp tục tỏ thái độ quan tâm bạn, hãy khước từ một cách lịch sự. 

Chuyên gia nói gì?

Tôn trọng nhưng phải mạnh dạn để bảo vệ mình

Nếu thật sự không có tình cảm riêng tư với người đồng nghiệp đã tỏ tình thì vấn đề còn lại chỉ là bạn thể hiện ý kiến đó ra như thế nào mà thôi. 

Việc bày tỏ ý kiến có một công thức chung: lịch sự, tôn trọng và trung thực với cảm nhận của bản thân. Nếu bạn không tỏ rõ ý kiến, thái độ của mình có sẽ thể gửi một tín hiệu sai cho người đó và việc “tỏ tình không mong muốn” có thể tái diễn. Các bạn được phỏng vấn ở trang bên cũng đã có cách hành xử khá hay: không tiếp xúc riêng, chỉ bàn công việc, tránh bày tỏ những việc liên quan đến tình cảm cá nhân. Tôi nghĩ những cách thức trên là phù hợp, chỉ cần các bạn thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng, dứt khoát hơn mà vẫn lịch thiệp và tôn trọng đồng nghiệp của mình.

Nếu một người có những hành vi đụng chạm hoặc lời nói có ý nghĩa tính dục mà không được người còn lại mong muốn thì đó là hành vi quấy rối tình dục. Đầu tiên bạn hãy cho người đó biết các bạn nghĩ gì về những hành động đó, một cách rõ ràng, kiên quyết. Ví dụ, hãy nói “tôi không thích những hành động đó và tôi không muốn bạn tiếp tục thực hiện những hành động này”. Nếu người đó phớt lờ ý kiến của bạn và việc ấy vẫn tiếp diễn, hãy thông báo cho những cấp trên. Đây là sự bảo vệ bản thân mình một cách chính đáng. 

Đặc biệt, bạn hoàn toàn có quyền báo cáo những sự việc đó cho nhà quản lý nếu bạn tiếp tục bị quấy rối bởi các hành vi của đồng nghiệp. Nếu “tình cảm” kia quá đà, bạn đừng e ngại mà giữ im lặng. 

Chuyên viên tâm lý Lê Thành Nhân, đơn vị nghiên cứu tâm lý lâm sàng thuộc trường Đại học Oxford tại Việt Nam.
Quỳnh Thy





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật