đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Đức hy sinh hay gông cùm trói chặt người phụ nữ Việt Nam?

Đăng ngày 09/12/2014

Trong phần thi ứng xử, phần thi mang ý nghĩa quyết định ai sẽ trở thành tân hoa hậu năm nay, Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhận được câu hỏi từ giám khảo - biên đạo Trần Ly Ly: “Theo bạn điều gì làm người con gái Việt Nam không bị lẫn với những cô gái khác trên thế giới”.
(TGGĐ) - Nguyễn Cao Kỳ Duyên được xướng tên trong giây phút cuối cùng của đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014, diễn ra tại sân khấu nhạc nước ngoài trời của Vinpearl Land, Phú Quốc, Kiên Giang.
 
Trong phần thi ứng xử, phần thi mang ý nghĩa quyết định ai sẽ trở thành tân hoa hậu năm nay, Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhận được câu hỏi từ giám khảo - biên đạo Trần Ly Ly: “Theo bạn điều gì làm người con gái Việt Nam không bị lẫn với những cô gái khác trên thế giới”. 
 
Kỳ Duyên đã trả lời rằng: “Theo em, điều làm nên sự khác biệt ở phụ nữ Việt Nam đó là sự hy sinh. Từ nhỏ em đã được nghe kể về những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, sẵn sàng hy sinh để chồng, con ra chiến trận và luôn dành hết tâm sức cho chồng con. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam còn sở hữu vẻ đằm thắm, dịu dàng và nét duyên ngầm”.
 
Tân Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhận được nhiều sự đồng tình với câu trả lời về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.
 
Không thể tin nổi câu trả lời này lại được đánh giá cao. Chúng ta khoan hãy xét về tư duy của một cô bé mới 18 tuổi và đánh giá của Ban giám khảo, bởi dẫu gì, cuộc thi cũng đã đi qua và để lại trong công chúng nhiều hình ảnh đẹp.
 
Điều chúng ta nên nhắc tới, đó là, giả sử có sự khác biệt như thế ở người phụ nữ Việt Nam thật, tức là, sự hy sinh luôn sẵn có trong bất kỳ hình ảnh nào của người phụ nữ Việt Nam, thì điều này, trong một xã hội hiện đại, có còn cần thiết nữa hay không?
 
Đặt nặng những tư duy của Khổng Tử đã từ rất lâu đời, người phụ nữ Việt Nam đã phải chịu biết bao thiệt thòi, và phải chăng sự hy sinh của họ đến từ sự tự nguyện, hay là họ không còn cách nào khác?
 
Một người phụ nữ của thế kỷ XXI, khi đã có điều kiện được tiếp xúc với những tinh hoa văn hóa ở khắp các Châu lục, họ có quyền hiểu về sự bình đẳng giới, về sự vô lý của các phép tắc Khổng giáo trọng nam khinh nữ đã thống trị đất nước ta cả ngàn đời nay, và hệ quả của nó là thân phận của người phụ nữ trong gia đình, khi đi ra đường, trong mắt từ người già đến em thơ, luôn là những người chịu đựng và hy sinh, như-mọi-chuyện-vốn-phải-thế.
 
Đã bao sự việc đau lòng xảy ra, chỉ vì mọi người nghiễm nhiên nghĩ rằng phụ nữ là người nên chấp nhận hy sinh, và chịu đựng nữa, chịu đựng thêm chút nữa. Khi chồng cô ấy ngoại tình, cuộc sống xung quanh của cô ấy như sụp đổ vì một chuyện cô ấy không gây ra, mọi người đổ lỗi cho cô ấy không giữ được chồng, bố mẹ thì đau xót nhưng vẫn khuyên con gái tìm cách giữ lấy chồng, chờ chồng quay về, mọi sự ghẻ lạnh dửng dưng, người phụ nữ phải nếm trải đủ cả. Một ví dụ điển hình rất thường thấy trong những câu chuyện tâm sự về cuộc sống vợ chồng ở khắp trong cùng ngõ hẻm trên đất nước ta.
 
Người phụ nữ, họ xứng đáng được trân trọng và nâng niu, hơn là những người chỉ lẳng lặng chấp nhận và hy sinh. Họ sinh ra dưới hình hài người con gái có nghĩa là họ đã mang tội đầy mình phải chăng là thế? Và chúng ta, những con người hiện đại, sống trong một thế giới phẳng, chẳng lẽ vẫn hài lòng với một thứ định nghĩa như là: Sự khác biệt lớn nhất của phụ nữ Việt Nam đó là đức hy sinh cao cả. Chính xác là người phụ nữ rất cao cả, nhưng họ có quyền không phải gánh chịu tất cả những điều đó, họ có quyền được chia sẻ và cảm thông, một quyền chính đáng và được đòi hỏi.
 
Đức hy sinh có thật sự cần cho người phụ nữ hiện đại?
 
Những người đàn ông, những đại diện tiêu biểu cho sự hy sinh của phái nữ hướng về, thực sự họ đã làm những điều gì? Tại sao một người suốt ngày rượu chè bù khú gái gú nhậu nhẹt, lại xứng đáng để người phụ nữ phải hy sinh vì họ? Tại sao những kẻ rác rưởi đánh đập vợ con, phủ nhận sự công bằng và luôn coi mình là trung tâm của quả đất muốn làm gì thì làm lại đòi hỏi những người phụ nữ luôn phải thờ phụng, cưng chiều họ? Những sự bất bình đẳng như vậy sẽ tiếp diễn đến bao giờ?
 
Nó sẽ còn tiếp diễn, nếu chúng ta vẫn tự hào về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Hay nói cách khác, sự tung hô về đức hy sinh của người phụ nữ, là một hành vi lấp liếm, lợi dụng những lời lẽ có vẻ tốt đẹp để có thể chính thức nghiễm nhiên đánh giá thấp vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
Một người phụ nữ chân chính, sẽ chỉ hy sinh cho những thứ gì hay điều gì có khả năng đem lại hạnh phúc cho họ, cũng bằng những sự hy sinh tương ứng. Liệu khi nào chúng ta có thể nhắc về đức hy sinh về những người đàn ông Việt Nam?
 
Tần Ngần





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật