đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Thất nghiệp ở Pháp và ở Việt Nam

Đăng ngày 27/10/2014

Hồ Thị Minh Trang, bút danh Trang Ami, là cô gái sống tại Đà Nẵng, vừa trở về nước sau hơn 4 năm du học Pháp và Hà Lan ngành Truyền thông. Từ tuổi học trò, cô đã là CTV của nhiều ...
(TGGĐ) - Hồ Thị Minh Trang, bút danh Trang Ami, là cô gái sống tại Đà Nẵng, vừa trở về nước sau hơn 4 năm du học Pháp và Hà Lan ngành Truyền thông. Từ tuổi học trò, cô đã là CTV của nhiều tờ báo. Hiện, cô viết nhiều cho các tờ báo về những chuyến đi và trải nghiệm cuộc sống ở các nước châu Âu.
 
Trang Ami mang lại cảm hứng du học cho nhiều bạn trẻ Việt Nam qua trang Hotcourses, The Tree Academy... Cô chia sẻ: "Là một người học truyền thông, mình vẫn luôn tin rằng, để truyền tin thành công, phải thông hiểu cuộc sống và cảm thông con người. Bài viết này cũng là một trong những thông tin mình muốn truyền đi, hi vọng nó chạm tới mọi người và sẽ là một thông điệp thành công." Tò mò về tác giả, xin mời ghé thăm www.trangami.com
 
 
Nói thất nghiệp ở Pháp thì oan quá vì chưa bao giờ mình thực sự tìm việc ở Pháp, còn Việt Nam thì cũng chẳng phải đang thất nghiệp mà là “bỏ một chậu nước ngọt để chuẩn bị nhảy qua thau nước mặn” - nhưng dù sao cũng là cảm giác bỗng nhiên rảnh rang sau một thời gian vò võ 9 tiếng văn phòng mỗi ngày.
 
Thử làm một so sánh về trải nghiệm thất nghiệp Pháp - Việt Nam, cho vui!
 
 
Bánh mì và bàn nhậu
Thất nghiệp ở Pháp đáng quan ngại hơn tại Việt Nam khoản ăn uống vì chẳng ai sẵn sàng mua cho mình một cái bánh mì, vì bạn còn lo cái bánh mì của bạn. Mỗi lần đi siêu thị về chất đầy tủ lạnh là một lần xót ruột, dặn lòng lần sau mua ít nhé, tiền trong tài khoản cạn rồi, khoản nợ đã to hơn rồi. Còn ở Việt Nam, một người bạn tỷ năm chưa gặp vẫn sẵn sàng “bốc đầu” đi nhậu. Chỉ cần mình đủ dũng khí nói “tôi hết tiền” thì sẽ được bao lô trọn gói, từ đồ nhắm tới rượu, bia, cà-phê, thuốc lá, hệt như chúng mình vẫn chưa hề có cuộc chia ly – dù túi nó có khi còn xẹp hơn cả túi mình!
 
Facebook và mặt người
Ở Pháp, ngày thất nghiệp bắt đầu bằng công việc vừa điểm tâm vừa comment Facebook, vừa ăn trưa vừa like Facebook, vừa định ngủ trưa lại có notification ầm ĩ rồi bận rộn reply đến quên luôn giấc ngủ, chiều tà tính ra phố đi siêu thị cũng bị Facebook mê hoặc, thế là hết giờ, thế là chìm vào giấc ngủ và quên luôn nhiệm vụ kiếm việc cấp bách.
Thất nghiệp ở Việt Nam, có quá nhiều việc để làm nên chẳng phải giờ phút nào cũng kịp nhớ ra là “à, tôi thất nghiệp”. Buổi sáng vừa mở mắt đã lao lên word gõ bài, tự hiểu đây là giờ phút hiếm hoi bình yên quý giá trong ngày. Vừa hay, bà ngoại ngọt ngào “chở ngoại đi chùa”, là lại ra đường nhìn dòng người lao tới chỗ làm với tất cả hưng phấn: “ô hô, ta đây không có một ngày 9 tiếng đằng đẵng trước mắt”. Tối về nhà, thấy mình vẫn giữa lòng xã hội. Rủi ro tự kỷ bay xa!
 
Đi hay ở
Thất nghiệp ở Pháp rất áp lực về những chuyến di cư. Mỗi sáng thức dậy đã lo nghĩ đến một cái ngày nghe-thì-xa-tít-tắp nhưng lại gần-ngay-trước-mắt: ngày hết hạn trong thẻ cư trú. Áp lực thứ hai đến từ những chuyến đi của lũ bạn. Ở Pháp, suốt ngày nhìn thấy những check-in của bạn bè ở xứ này xứ khác, thấy tủi thân, thấy chồn chân, thấy cảm xúc lấn át bao nhiêu là sáng suốt. Tự động đặt mình và cái-kẻ-vừa-check-in-kia lên một bàn cân vô hình với lòng vòng những câu hỏi: “Tại sao nó làm việc ở Việt Nam mà vẫn có tiền đi du lịch nước ngoài?”, “Tình hình trong nước đã khá đến mức lương cao thế ư?”, “Hay là mình cứ ở lại đi… bưng phở?”. Đi về Việt Nam hay đi bưng phở, mãi mãi là một câu hỏi khó. Cái nào cũng hấp dẫn, dù về Việt Nam thì được đường hoàng vào tiệm phở, còn ở Pháp thì phải cun cút chạy đi bưng phở cho kẻ khác!
 
Run rẩy và niềm tin
Thất nghiệp ở Pháp, bước ra đường tự nhiên thấy mình là kẻ tội đồ. Lên tivi thỉnh thoảng lại nghe Đảng này Đảng nọ cãi nhau có nên tống hết dân nước ngoài về. Đi xin gia hạn thẻ cư trú, đụng phải ánh mắt dò xét của bà viên chức: “Có thật muốn học ngành này thêm để nâng cao hiểu biết, hay chỉ là một động tác giả để kéo dài thời hạn cư trú?”. Lúc trả lời, cố gắng nói cứng “tôi không xin bất cứ trợ cấp nào từ nước Pháp ngoài trợ cấp tiền nhà như quyền lợi của bất kỳ sinh viên nào khác, tôi không ở lại Pháp để đi làm thêm bất hợp pháp” nhưng giọng run rẩy, cả người run rẩy, cả một tâm trạng run rẩy khi nghĩ về quãng đường phía trước.
Thất nghiệp ở Pháp căng thẳng mỗi lần nộp đơn. Nộp xong sợ nhận một lá thư từ chối trong thùng thư, sợ nhận được e-mail kêu đi phỏng vấn thì lại không có tiền nhảy tàu, sợ người ta gọi Skype thì mình lại không nghe kịp người ta nói gì, sợ ngoại ngữ không đủ tốt để đảm nhiệm công việc dù chỉ mới đọc miêu tả,sợ tính hài hước của mình bị “chênh, phô, vô duyên” khi nghĩ tới những cuộc vui công sở, sợ đủ điều. Còn ở Việt Nam, điện thoại nghe không rõ sẽ: “Xin lỗi chị vui lòng nói to hơn một chút nhé”. Không nhận được thư trả lời sẽ gọi điện lên cơ quan tuyển dụng hỏi: “Tại sao chưa trả lời”, bị từ chối sẽ viết e-mail: “Tại sao tôi thế này mà không nhận?”. Haha... Dù ở Việt Nam, thất nghiệp đã là chuyện quá thường. Bạn cũ gặp lại, phân nửa chưa có việc làm hoặc đang cần mẫn đếm lui giờ làm ở siêu thị, cửa hàng. Nhưng cơ hội vẫn đầy, dự án vẫn nhiều.
 
Tiền, tiền
Thất nghiệp ở Pháp mệt mỏi về tâm trạng, chán chường về cuộc sống, héo úa về tâm can, cảm thấy cô đơn, cảm thấy chẳng ai đủ tiềm lực tài chính cho mình vay mượn khi cần thiết. Ở Việt Nam, cuộc đời vẫn chảy trôi tuồn tuột, dự án vẫn nhiều, tiền vẫn vào, đồ ngon vẫn ê hề, những chuyến đi vẫn mời gọi và… tiền vẫn thiếu, nhưng không bao giờ kẹt. Ngoại sẵn sàng: “Đi về quê đi, đi đi rồi ngoại bao, bao hết từ A tới Z, con khỏi phải lo”. Mẹ sẵn sàng vồ vập hỏi: “Bao nhiêu, khi nào cần”…
 
Vui hay không vui
Tóm lại, thất nghiệp ở đâu cũng đau khổ thiếu thốn, nhưng ở Việt Nam thì còn vui. Vui vì biết mình không phải đối chọi với ông chủ nhà cho thuê, chẳng sợ bị chính phủ sở tại đuổi về quê, không sợ ra đường với cái túi lép kẹp chục euros đổ lại (với mình có 200k cầm ra đường đi uống cà-phê là ngon rồi). Vui vì mình thất nghiệp ở Việt Nam, nhưng sở hữu một tấm bằng của Pháp. Bằng của Pháp muôn năm, bằng của Pháp muôn năm!
 
TRANG AMI 
P/s: Câu cuối đang chọc ngoáy các bạn du học Pháp về mà thất nghiệp đấy nhé, haha.
 





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật