đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Liệu có bao nhiêu mối tình "thầm lặng" như cậu học sinh lớp 8 kia, bố mẹ chẳng hề hay biết

Đăng ngày 15/07/2016

Chuyện nam sinh lớp 8 nhắn tin yêu đương với cô giáo của mình và được cô giáo đáp lại, tôi nghĩ nhiều bậc cha mẹ hẳn là sẽ không nghĩ điều đó xảy ra với con mình. Cho đến khi "nước chảy hoa rơi" mới biết. Thì cứu vãn cách nào? Ngăn cấm con mình ư?
Chuyện nam sinh lớp 8 nhắn tin yêu đương với cô giáo của mình và được cô giáo đáp lại, tôi nghĩ nhiều bậc cha mẹ hẳn là sẽ không nghĩ điều đó xảy ra với con mình. Cho đến khi "nước chảy hoa rơi" mới biết. Thì cứu vãn cách nào? Ngăn cấm con mình ư?

Câu chuyện nam sinh lớp 8 và cô giáo nhắn tin yêu đương ở một trường THCS tại TP HCM vừa qua hẳn khiến cho nhiều cha mẹ giật mình mà sốc. Sốc là bởi mối tình y hệt Dương Quá - Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp của nhà văn Kim Dung. Giật mình là bởi trẻ con 14 tuổi trong mắt bố mẹ vẫn chỉ là một đứa trẻ. Có bao nhiêu cha mẹ đủ bình tĩnh xử lý tình huống yêu đương của con mình? Hay lúc đó họ sẽ nổi lôi đình mà đẩy con vào ngõ cụt, biến mọi nỗ lực đối thoại thành đối phó?
 
Trước câu chuyện đang xôn xao và gây sửng sốt với các bậc phụ huynh này, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng đã gửi đến chúng tôi những chia sẻ của anh, dưới góc nhìn của một ông bố 38 tuổi có 3 đứa con.
 
Hoàng Anh Tú (được biết đến với cái tên "Anh Chánh Văn") hiện là Trưởng ban biên tập báo SVVN – Hoa học trò, Chủ biên 2 ấn phẩm Chuyên đề 2! và Tạp chí 2! ĐẸP. Anh đã có gia đình riêng với 3 nhóc tí đáng yêu, trong đó bé lớn nhất đuợc 10 tuổi.
 
 
Cha mẹ nên cố gắng tâm sự, lắng nghe những chia sẻ và quan sát những thay đổi, những rung động của tuổi mới lớn để đưa ra lời khuyên đúng đắn thay vì phản ứng mạnh hay cấm cản các con. Ảnh minh họa
 
Con cái ở tuổi 14 tuổi không còn là một đứa trẻ ngô nghê nữa. Nhất là khi nhiều bậc cha mẹ đã cho con dùng smartphone, những đứa trẻ dùng laptop của chúng ta để lên facebook, để đọc truyện ngôn tình và xem online trọn bộ phim Hàn Quốc mà không cần ngồi chầu chực trước tivi chờ chương trình Phim truyện như ngày xưa. Các con bắt đầu biết thích, biết thương, biết buồn, thậm chí đau khổ vật vã khi tình yêu không được đáp lại.
 
Cũng bởi có quá nhiều thứ để tiếp cận như thế, các con cũng dễ sa vào những thói hư tật xấu, thích đua đòi, khát khao thể hiện bản thân theo một cách sai lệch. Câu chuyện những cô, cậu học trò cấp 2 rủ nhau vào nhà nghỉ ở Hà Nội hoặc hút shisha ở quán bar Sài Gòn có lẽ đã khiến không ít phụ huynh giật mình, bởi trước đó ai cũng nghĩ: "Nó còn bé ấy mà, đã biết gì đâu!".
 
Trong 12 năm giữ mục Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò, những bức thư kiểu em yêu thầy, em yêu cô của học trò lớp 7, lớp 8, lớp 9 tôi vẫn nhận được thường xuyên. Nhưng thường thì luôn là yêu đơn phương kiểu thần tượng, ngưỡng mộ. Hiếm có trường hợp nào các em được đáp lại. Vì thường thì các thầy cô đều hiểu việc đáp lại tình yêu kiểu này có thể dẫn các thầy cô đến vòng lao lý, vi phạm pháp luật. 
 
Nhưng bao nhiêu "mối tình" khác thầm lặng đã diễn ra mà báo chí không biết, bố mẹ không hay? Đâu chỉ là các thầy, các cô mà còn là vô số những đối tượng khác như chú bảo vệ, cô bán nước, người đàn ông đã có vợ con, người phụ nữ hám của lạ... Có "mối tình" nào là không lung linh, rực rỡ cho đến khi bị phát hiện ra!
 
Ở tuổi các em, việc rung động với một ai đó là điều rất dễ xảy ra. Có khi chỉ từ 1 hành động, có khi bắt đầu bằng sở thích chung, lại có khi chỉ là ngưỡng mộ, thần tượng, mơ mộng… Cha mẹ nhiều khi chỉ nhìn thấy bề nổi, khi các con biểu hiện ra. Mà còn rất nhiều em chỉ giữ trong lòng, chỉ thầm lặng.
 
Những rung động của tuổi mới lớn mà không biết chỉ giữ trong lòng và không biết chia sẻ với ai. Ảnh minh họa
 
Là bởi nói ra cha mẹ không hiểu, cha mẹ toàn ngăn cấm. Tâm sự với bạn bè thì bị bạn bè chê cười, trêu chọc. Và ngoài kia, còn đâu đó những người thầy, người cô, những người đàn ông, phụ nữ… không hề quan tâm đến pháp luật, coi thường pháp luật, che giấu hoặc bằng cách này cách khác khiến các em im lặng. Xâm hại tình dục trẻ em vì thế mà khó phát hiện! Xâm hại tình dục trẻ em vì thế mà diễn ra ngay ở những đối tượng không ngờ đến nhất! 
 
Trở lại chuyện nam sinh lớp 8 nhắn tin yêu đương với cô giáo của mình và được cô giáo đáp lại, hứa hẹn… Tôi nghĩ, nhiều bậc cha mẹ hẳn là sẽ không nghĩ điều đó xảy ra với con mình. Hoặc có nhiều cha mẹ chỉ lo con gái mà bỏ quên con trai bởi suy nghĩ: Con trai thì mất gì đâu? Cho đến khi "nước chảy hoa rơi" mới biết. Thì cứu vãn cách nào? Ngăn cấm con mình ư? Tố cáo cô giáo, thầy giáo ư? Tôi nghĩ khi đó là đi giải quyết hậu quả rồi!
 
Dòng tin nhắn được cho là của cô N. và em A. Ảnh: Người lao động
 
Hôm nọ, cô bạn tôi tâm sự, nhờ tôi tư vấn trường hợp con gái cô mới lớp 7 mà đã tương tư một thầy ở trường. Cô bạn tôi phát hiện ra điều này nhờ cuốn vở con gái viết đầy tên thầy. Cô hỏi tôi: "Tớ nên làm thế nào?".
 
Tôi nghĩ nhiều cha mẹ cũng sẽ có cùng câu hỏi đó. Lúc này ngăn cấm con hay làm um lên thì người đau khổ nhất vẫn là con mình. Đứa trẻ sẽ không còn dám chia sẻ điều gì nữa. Tôi nghĩ những lúc thế này nên trở thành đồng minh với con. Đừng ngăn dòng nước đang chảy xiết. Hãy uốn dòng! Đánh giá chính xác mức độ thương nhớ của con và mối quan hệ đấy để tìm ra liệu pháp thích hợp chứ không thể cứ dùng quyền làm cha, làm mẹ của mình để áp đặt con.
 
Nhiều hơn, với các cha mẹ đang có con ở độ tuổi dậy thì, mới lớn, việc đồng hành cùng con là điều bắt buộc. Là đồng hành chứ không phải kèm cặp. Là đi cùng con chứ không phải đi theo con hay bắt con đi theo. Là lắng nghe con và bày tỏ quan điểm của bố mẹ hơn là chỉ chăm chăm bắt con phải thế này hay phải thế kia.
 
Thay vì phán xét bố mẹ hay lắng nghe con nhiều hơn. Ảnh minh họa
 
Thay vì phán xét, hãy lắng nghe nhiều hơn. Chỉ khi bố mẹ lắng nghe được hết tất cả những điều con chưa nói, không nói, khó nói thì cha mẹ mới có được một đối sách phù hợp! Tôi vẫn bảo với nhiều cha mẹ rằng: Con đối đầu, đối nghịch với bố mẹ không đáng sợ bằng con đối phó với cha mẹ. Đối đầu, đối nghịch ta còn biết để nắn dòng, để đối thoại, để lựa chọn cách đối xử, đối đãi. Chứ con đối phó thì chịu! Nói gì con cũng nghe răm rắp nhưng không làm hoặc làm kiểu đối phó. Ngấm ngầm hoặc giấu diếm. Bày ra các kịch bản khác nhau để đối phó cùng sự kiểm soát của cha mẹ. Mà cha mẹ thì đâu chỉ có 24/7 là thời gian cho con?
 
Chẳng trách nhiều cha mẹ xảy ra chuyện mới tá hoả mà rằng: Con ở nhà rất ngoan! Cuối cùng, căn bản của mối quan hệ nào cũng vậy: cần sự lắng nghe! Là lắng nghe con mình, lắng nghe cả những điều ngỡ tưởng vô thưởng vô phạt. Bởi trong những lúc vô tư nhất sẽ là lúc bạn hiểu con mình nhất chứ không phải khi con xảy ra chuyện ta mới cuống cuồng lắng nghe!
 
Nguồn: Kênh 14
 





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật