đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

“Người hùng nhí” dũng cảm cứu bạn thoát khỏi lưỡi hái tử thần dù không biết bơi

Đăng ngày 13/12/2021

Mới chỉ học lớp 6, chiều cao hơn 1m nhưng em Hà Công Minh Đức (học sinh lớp 6, trường THCS Tây Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đã vượt qua nguy hiểm, vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm xuống giếng nước cứu bạn dù bản thân không biết bơi.

Mới chỉ học lớp 6, chiều cao hơn 1m nhưng em Hà Công Minh Đức (học sinh lớp 6, trường THCS Tây Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đã vượt qua nguy hiểm, vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm xuống giếng nước cứu bạn dù bản thân không biết bơi.

 

Hành động anh dũng của Đức rất đáng khâm phục, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.


Vượt sợ hãi cứu bạn thoát cửa tử


Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến làng Đăm, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, gặp em Hà Công Minh Đức (12 tuổi) – người vừa được mệnh danh là “người hùng”. Những ngày qua, trên mạng xã hội, đâu đâu cũng nhắc tới câu chuyện của em Đức dù nhỏ tuổi, không biết bơi nhưng đã nhanh trí cứu bạn bị đuối nước thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Dù sự việc cứu bạn thoát chết đã qua nhưng khi đến nay, tinh thần của Đức vẫn bị xáo trộn, chưa hết nỗi ám ảnh.

 

 Em Hà Công Minh Đức ''người hùng'' cứu bạn thoát chết khỏi đuối nước.


Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện cứu bạn, Đức xúc động kể, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 7/12, Đức và em N.H.B. (học sinh lớp 5, trường Tiểu học Tây Tựu A) cùng 3-4 em nhỏ lớp 1, lớp 2 chơi gần khu vực giếng nước trong khuôn viên Tổ đình Hưng Khánh (chùa Đăm). Thấy dưới ao có nhiều cá, Đức và B. đã rủ nhau cho cá ăn, trong lúc đó, em B. không may bị trượt chân ngã xuống nước. Theo phản xạ, B. chới với kéo cả chân Đức xuống giếng. Bằng bản năng sinh tồn, Đức vùng vẫy, cố bám vào bậc giếng để ngoi lên bờ, khi đó, B. đã bị trôi ra xa và đã có dấu hiệu mất ý thức.


Vượt qua nỗi sợ hãi, nguy hiểm, dù không biết bơi nhưng Đức đã nhanh trí nhảy lên bờ, rút chiếc cọc tre rào cây bưởi gần đó và lội xuống nước ngang ngực để cố đưa bạn vào bờ, khi đó, B. cách xa bờ gần 3m. “Vừa kéo B., em vừa kêu, B. ơi, cố lên!” – Đức nhớ lại.
Sau khi đã tiếp cận được B., Đức cố gắng hết sức đưa bạn lên bậc giếng dù trọng lượng cơ thể B. nặng hơn Đức. Khi đưa bạn lên bờ, phản xạ đầu tiên, Đức sơ cứu cho bạn bằng cách ép bụng, ép lồng ngực. Nhưng mãi chưa thấy tín hiệu phản hồi của bạn  nên Đức hô hoán, kêu gọi sự trợ giúp của những người xung quanh.

 

 Anh Hà Thái Dương - Bí thư Đoàn thanh niên phường Tây Tựu kể lại sự việc xảy ra bên giếng nước.


Nghe tiếng kêu, các cán bộ UBND phường Tây Tựu, trong đó có anh Hà Thái Dương - Bí thư Đoàn thanh niên phường từ trụ sở UBND nhảy qua tường rào, chạy sang chùa xem có chuyện gì? Khi “vượt rào” đến nơi,  anh Dương thấy cơ thể B. đã tím tái, Đức run lẩy bẩy, giọng lắp bắp “cô chú ơi! Giúp bạn ấy đi!...”. Thấy vậy, anh Dương nhanh chóng sơ cứu cho em B. như ép lồng ngực, bế thốc ngược B. ra sau lưng chạy một đoạn để giúp nạn nhân nước không tràn vào phổi và thở trở lại. Sau những động tác sơ cứu ban đầu, B. đã phát ra tiếng khóc đồng nghĩa với việc dấu hiệu sinh tồn đã có, lúc này, Dương tiếp tục hạ B. xuống ép lồng ngực và thực hiện các bước sơ cứu tiếp theo. Sau khi sơ cứu thành công, nhân viên trạm y tế phường đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và làm các bước sơ cấp cứu tiếp theo, sưởi ấm cho B., rồi đưa em về trạm. Ngay sau đó, Dương chủ động liên hệ với người nhà để kịp thời đưa em B. đến Bệnh viện E cấp cứu kịp thời. Đến viện, B. được chẩn đoán bị viêm phổi do nước tràn phổi quá nhiều. May mắn, hiện tại, tâm lý của em ổn định, sức khỏe tốt, ăn uống bình thường, B. đã được ra viện tối nay 12/12.


“Khi vượt qua tường rào chạy sang cứu B., trong đầu tôi chỉ duy nhất suy nghĩ là bằng mọi cách có thể, cố gắng cứu sống em B.. Tất cả ai ở trong hoàn cảnh đó cũng hành động như tôi. Khi cứu được B., thực sự chúng tôi nhìn nhau vui phát khóc. Câu đầu tiên anh em nói với nhau “Thôi, sống rồi! Sống rồi!”. Nghe tiếng khóc của B., mọi người chứng kiến sự việc cũng rưng rưng nước mắt, vui sướng, hạnh phúc vì vừa đưa một người từ chết trở về”. Với Đức, dù sợ hãi, có chút “khủng hoảng tinh thần” nhưng em đã gắng vượt qua, tập trung đưa bạn lên bờ. Đây hành động then chốt giúp B. từ cõi chết trở về. Cho dù nhỏ tuổi, có thể động tác chưa thể chính xác nhưng những động tác ấy cũng đủ tác động níu kéo thêm sự sống cho bạn. Đức đúng là “người hùng”” – anh Dương chia sẻ về câu chuyện của Đức.

 

 Đức kể lại sự việc cứu bạn thoát chết.


Nếu không cứu bạn sẽ mãi bị ám ảnh


Nói về hành động dũng cảm cứu bạn, cậu bé Đức có khuôn mặt tuấn tú bảo, từ hồi nhỏ, em chơi với bạn dù bất cứ trò chơi hay môn thể thao nào, em luôn là người “xông pha, liều lĩnh nhất” trong đám bạn, sẵn sàng “lăn xả” vào những nơi khó, nguy hiểm để giúp bạn lấy lại đồ vật. “Nhiều lần chơi đá bóng, bóng rơi xuống mương nước, bay qua hàng rào, lên mái tôn… em sẵn sàng xung phong đi lấy bóng. Vì em liều nhiều lần nên cũng thành quen. Nếu hôm đó em không cứu bạn B., chắc em sẽ bị ám ảnh mãi mãi và rất khó chịu vì thấy bạn gặp nạn mà không cứu thì… Kỹ năng cứu sống bạn em có được là nhờ học từ trường, bên cạnh đó, em cũng hay xem ti vi về những tình huống xử lý khi bị đuối nước. Những điều em đã được học, xem, em nhớ như in. Nên khi nhìn thấy B. chới với dưới nước, em không chút ngần ngại, đắn đo cứu bạn” – Đức thật thà tâm sự.

 

 Với hành động đẹp của Đức và anh Dương, Thành đoàn Hà Nội và Quận đoàn Bắc Từ Liêm đã trao Bằng khen, động viên, khen thưởng kịp thời vì 2 anh em đã dũng cảm, kịp thời cứu người bị đuối nước.


Sau hôm cứu B., dù không còn hoảng sợ nhưng Đức vẫn luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh của B., giấc ngủ không trọn vẹn bởi B. vẫn còn nằm viện. Chỉ khi, gia đình B. thông báo tình hình sức khỏe của bạn đã ổn định, em mới thở phào nhẹ nhõm. Em mong bạn nhanh khỏe để được đi học trở lại, đồng thời hy vọng bạn sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm như thế một lần nữa. Còn với bản thân Đức đã rút ra được bài học quý báu. Đó là, trẻ em không nên chơi ở những nơi nguy hiểm như sông nước, ao, hồ, giếng… nhất là khi không có sự giám sát của người lớn. Qua sự việc này, em thầm hứa với bản thân sẽ quyết tâm học bơi và sẽ tuyên truyền đến các bạn về lợi ích của việc biết bơi cũng như kỹ năng phòng chống đuối nước.


Hướng ánh mắt về phía Đức, bà Chu Thị Chung (67 tuổi, bà nội Đức) rưng rưng nói: “Thực sự cả gia đình tôi rất xúc động và tự hào về hành động của cháu Đức. Ơn giời! Cháu vừa may mắn thoát chết vừa cứu được bạn dù cháu chưa biết bơi. Sau sự việc hôm đó, làng xóm láng giềng, ai nấy đều động viên, khen  ngợi cháu “Sao người hùng giỏi thế!”. Đức là con út trong gia đình có 3 chị em, là đứa trẻ thông minh, tự tin nhất nhà. 5 năm qua, cháu đều đạt học sinh giỏi. Tuy nhỏ tuổi nhưng cháu Đức luôn ý thức làm việc nhà giúp đỡ gia đình. Đặc biệt, thỉnh thoảng, sau mỗi giờ học, cháu hay lên ruộng hoa của gia đình để chăm sóc, thu hoạch hoa đỡ đần bố mẹ”.

 


Trò chuyện với chúng tôi, anh Dương chia sẻ, là Bí thư Đoàn phường, bản thân anh đã được đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu nạn nhân bị đuối nước khi còn đi học. Nên phản xạ đầu tiên khi gặp nạn nhân đuối nước là phải thực hiện các bước sơ cấp cứu cơ bản. “Qua hành động vô cùng anh dũng của Đức, chúng tôi muốn lan tỏa, nhắn nhủ đến các bạn trẻ hãy học tập và noi theo tấm gương sáng của em Đức. Bởi hành động dũng cảm của Đức còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam, sẵn sàng vượt qua khó khăn, hiểm nguy, cứu người gặp nạn. Đặc biệt, chúng tôi muốn lan tỏa tới các bạn trẻ kỹ  năng phòng chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu sau khi bị đuối nước. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên cũng mong muốn các trường học quan tâm nhiều hơn đến việc dạy bơi cho trẻ. Đây là một việc làm rất cần thiết cho thế hệ trẻ hiện nay” - Bí thư Đoàn phường Tây Tựu bày tỏ.


Với hành động đẹp của Đức và anh Dương, Thành đoàn Hà Nội và Quận đoàn Bắc Từ Liêm đã trao Bằng khen, động viên, khen thưởng kịp thời vì 2 anh em đã dũng cảm, kịp thời cứu người bị đuối nước.






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật