đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Tuổi trẻ của đất nước chúng ta

Đăng ngày 25/11/2014

Không nhiều người nghĩ tới việc trau dồi sự hiểu biết, họ không tin rằng có kiến thức tồn tại ngoài sách vở, có thể sách vở nhồi nhét nhiều kiến thức thừa thãi tới nỗi họ tưởng rằng như thế là quá đủ rồi. Họ không tìm những người lớn tuổi hơn, họ khinh thường những người ít tuổi là kém hiểu biết hơn mình, và họ không tin nhau, bởi vì họ nghĩ họ khác biệt, và họ không bao giờ sai lầm.
(TGGĐ) - Những người trẻ xung quanh tôi, họ dường như quá cô đơn.

Họ có nhu cầu tụ tập bạn bè trà chanh trà đá chẳng vì lý do gì cả, chỉ vì nhóm bạn này vài ngày đã không gặp nhau. Và nội dung những buổi chuyện trò là đánh giá những cô gái cậu trai ngang qua đường, khen ngợi hoặc dè bỉu hình thức của họ. Hoặc nếu phố vắng người hơn, thì là cùng nhau nói xấu về đôi ba người giấu mặt, về những người không xuất hiện buổi hôm đó. Nhưng có thể ngay hôm sau, nhóm thiếu đi một bạn, và cả nhóm cùng trù dập người vắng mặt xuống tận đáy, họ đã từng có tình bạn đẹp, hoặc họ đã tưởng rằng họ có tình bạn đẹp.
 

Ảnh minh họa: Internet

Họ cần có người yêu, họ cần có người khác giới, hoặc cùng giới bên cạnh. Đôi khi không phải vì họ muốn, mà họ thấy rằng những người khác cũng có, và họ cho rằng họ cần phải có. Tình cảm của họ bùng cháy rực lửa trên mạng xã hội, trên tin nhắn, trên các phương tiện truyền thông họ có thể can thiệp được, và có thể xóa hết ảnh nhau, miệt thị nhau như loài vật sau vài tuần hoặc vài tháng yêu đương.
 
Họ, những người trẻ thành thị, luôn có nhu cầu  cháy bỏng được người khác ngắm nhìn mình, quan tâm đến mình. Họ luôn sẵn sàng vẽ ra một thứ hào quang để người xung quanh nhìn vào mà thèm thuồng, ao ước. Dù thứ hào nhoáng này chỉ xuất phát từ những giá trị ảo, những giá trị họ được cho, được tặng, được nuôi, chứ không phải bản thân họ tạo ra.
 
Họ quá cô đơn, họ cần những buổi tụ tập tiêu xài thời gian triền miên không vì lý do gì, họ cần những người bên cạnh cũng không vì lý do gì cả, họ cần hào quang và sự tỏa sáng, cũng không vì lý do gì hết. Họ vô giá trị, nhưng luôn cần sự thừa nhận.
 
Cũng còn những người trẻ khác nữa, khác một chút.
 
Đôi lần, tôi thấy họ vùi đầu vào sách vở, đắm chìm trong những kỳ thi và điểm số, ươn mình trong một nền giáo dục không đầy đủ. Họ không bao giờ lên kế hoạch cho tương lai, nhưng vẫn mong chờ may mắn đến vào một ngày mai tươi sáng. 
 
Những lần khác, tôi lại thấy họ lao mình theo những hoạt động xã hội, bất chấp những hoạt động ấy có thực sự có ích cho cộng đồng và cho chính bản thân họ hay không. Chỉ cần có chỗ được vui, được chơi, được nói, được thể hiện, họ sẵn sàng lao theo và luôn tin rằng mình đang làm đúng.
 
Họ tìm cơ hội kiếm tiền, họ luôn cần tiền, nhưng chịu khổ vất vả thì không. Họ ưa sự nhàn hạ ở cái tuổi trẻ này. Họ thích thú sự mơ mộng, họ ghét thực tế, và luôn muốn được gặp may mắn. Họ tin rằng may mắn sẽ đến, nên dù họ đi tìm mải miết, nhưng trong thực tế, họ vẫn đang lười biếng, trốn tránh và chờ đợi.
 
Nhưng cũng có những điều tuổi trẻ tôi được biết không làm.
 
Chẳng ai xung quanh tôi nghĩ tới chuyện tăng gia sản xuất, phát triển ngành chăn nuôi, buôn bán nông sản, dù tất cả chúng ta đang ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới đang phát triển với diện tích đất nông nghiệp bạt ngàn. Tất cả những gì họ muốn là có một việc làm nhàn tản mà vẫn có thu nhập. Họ không ưa suy nghĩ và tư duy, nhưng lại thích những ngành lao động trí óc. Họ không muốn lao động chân tay gian khổ, nhưng lại đam mê việc có nhiều tiền.
 
Không nhiều người nghĩ tới việc trau dồi sự hiểu biết, họ không tin rằng có kiến thức tồn tại ngoài sách vở, có thể sách vở nhồi nhét nhiều kiến thức thừa thãi tới nỗi họ tưởng rằng như thế là quá đủ rồi. Họ không tìm những người lớn tuổi hơn, họ khinh thường những người ít tuổi là kém hiểu biết hơn mình, và họ không tin nhau, bởi vì họ nghĩ họ khác biệt, và họ không bao giờ sai lầm.
 
Dù họ nghĩ họ khác biệt, họ cũng không đi những con đường riêng của mình, họ tuyên ngôn mình khác biệt và vẫn đi cùng đám đông, sống bầy đàn, và không thể tách khỏi. Họ sợ cô đơn, họ không dám đứng một mình.
 
Chúng ta có thể nói rằng có người này có người kia, nhưng không thể phủ nhận một điều, những gì tôi kể ở trên xuất hiện ở phần đông người trẻ, có thể cả ở những người không còn trẻ nữa. Con người luôn có một sự cô đơn thường trực, nhưng khi nào nó trở thành vấn đề, thì đó chính là câu chuyện của tuổi trẻ.
Khi chúng ta thiếu đi niềm tin vào bản thân, bị lạc lõng trong quá nhiều quy chuẩn định kiến của xã hội, trong một quá trình trải dài của một nền giáo dục chưa hoàn thiện, thì sự cô đơn trở thành dễ tổn thương đến nỗi họ không còn thừa nhận nó nữa, và họ phải lấp liếm bằng những hành động hoang phí tuổi trẻ của mình.
 
Tuổi nào cũng quý, nhưng tuổi trẻ, tuổi cần được khẳng định mình nhất, thì họ lại không được ý thức đầy đủ về chính bản thân mình. Cách duy nhất là người trẻ tự đốt đuốc mà đi, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tự hỏi bản thân mình là ai? Mình sinh ra trên đời, rồi một ngày nào đó cũng chết đi, nếu ngày mai mình chết, mình đã làm được những gì?
 
Và ngay bây giờ mình sẽ làm gì?

Tần Ngần
 





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật