đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Để Mai Tính 2 làm LGBT phải suy nghĩ khá nhiều

Đăng ngày 16/12/2014

Tuy chỉ mới ra rạp được vài ngày nhưng 'Để Mai Tính 2' đã vấp phải sự phản đối của khá nhiều người thuộc cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Điều này cũng từng xảy ra với bộ đôi Charlie Nguyễn và 'ông hoàng phòng vé Việt Nam' Thái Hòa ở bộ phim 'Tèo Em' ra mắt vào cuối năm ngoái.
 Người đồng tính và chuyển giới Việt nghĩ gì về 'Để Mai Tính 2'?
 
 
Tuy chỉ mới ra rạp được vài ngày nhưng 'Để Mai Tính 2' đã vấp phải sự phản đối của khá nhiều người thuộc cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Điều này cũng từng xảy ra với bộ đôi Charlie Nguyễn và 'ông hoàng phòng vé Việt Nam' Thái Hòa ở bộ phim 'Tèo Em' ra mắt vào cuối năm ngoái.

Cách đây 4 năm, bộ phim "Để Mai tính" của đạo diễn Charlie Nguyễn đã bất ngờ thành công với nhân vật phụ Phạm Hương Hội với hình ảnh của một người chuyển giới có phong cách sống hơi khoa trương. Sự yêu thích mà khán giả dành cho Hội còn hơn hẳn cặp đôi vai chính là Kathy Uyên và Dustin Nguyễn. Người thủ vai Hội - Thái Hòa, sau đó cũng đã bật lên và trở thành "ông hoàng phòng vé". "Để Mai tính 2" vừa được ra mắt cách đây vài ngày, tiếp nối câu chuyện của phần 1 nhưng với nhân vật trung tâm là Hội.
 
 
Trở về Việt Nam sau một khoảng thời gian làm việc ở nước ngoài, Hội - nay đã là một doanh nhân thành đạt, bắt đầu lên kế hoạch cho một dự án lớn. Ngay sau khi vừa đặt chân đến khách sạn, Hội bị cướp và vô tình được một chàng họa sĩ đẹp trai cứu giúp (Quang Sự đóng). Tiếng sét ái tình xuất hiện và Hội yêu say đắm dù anh chàng họa sĩ đã thầm thương trộm nhớ một cô gái khác (Diễm My đóng). Mối tình tay 3 này đã chính chất liệu chính làm nên những tình tiết hài hước diễn ra sau đó. Tuy nhiên, có một vài chi tiết đã vấp phải sự phản đối của không ít người thuộc cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Đặc biệt là chi tiết Hội bước vào phòng tạm giam và bày tỏ sự hứng thú muốn ở lại do thích thân hình của anh chàng phạm nhân điển trai. 
 
Trên mạng xã hội Facebook, một "cuộc chiến" đã nổ ra giữa 2 bên ủng hộ và phản đối "Để Mai Tính 2". Hai trang fan-page lớn là "Tuyết Collection" và "Tôi Đồng Ý" đều đăng tải nội dung kêu gọi tẩy chay bộ phim. Rất nhiều bình luận bên dưới đã thể hiện rõ phản ứng của khán giả về nhân vật Hội.

 
 
Năm ngoái, bộ phim “Tèo Em” cũng gặp phải tình trạng tương tự vì đoạn thoại: ”Nếu là chó pê đê sẽ đi kiểu gì, sủa ra sao? Chó ô-môi sẽ đi ra sao, sủa như thế nào?”. Đạo diễn Charlie Nguyễn và Thái Hòa sau đó đã công khai gửi lời xin lỗi đến những người LGBT cảm thấy bị xúc phạm vì bộ phim. Chính vì thế, trước khi “Để Mai tính 2” được khởi quay, bản thân nam diễn viên Thái Hòa đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia về LGBT tại Việt Nam và được xem là một “đồng minh” mạnh của cộng đồng này. Mặc dù vậy, có vẻ như hiệu quả vẫn không được như mong muốn.
 
Một Thế Giới đã có buổi trao đổi với 5 nhân vật thuộc cộng đồng LGBT về những luồng dư luận xung quanh bộ phim “Để Mai tính 2”.
 

N. M. N, 31 tuổi, một người chuyển giới nữ, chia sẻ: “Từ bộ phim ‘Tèo Em’ là tôi đã có ác cảm với việc Thái Hòa lợi dụng yếu tố chuyển giới để câu khách. Rõ ràng anh ta đang kiếm tiền từ chính cộng đồng này nhưng lại luôn được tung hô là phản ánh đúng hiện trạng cuộc sống. Không sai. ‘Để Mai tính 2’ chỉ đơn thuần là một sản phẩm giải trí, không hơn không kém. Nhiều người cho rằng đừng nên quá khắt khe với nó. Tuy nhiên, điện ảnh có sức mạnh riêng của mình để có thể tác động lên tư duy của những khán giả ngồi bên dưới. Điều này đã được chứng minh rất nhiều lần.
 
Đối với cộng đồng người chuyển giới – vốn vẫn chưa được xã hội Việt Nam hiểu rõ và tôn trọng đúng mực, thì những chi tiết dễ gây hiểu lầm trong phim chẳng phải đã góp phần làm méo mó mọi thứ và phủ nhận những gì mà các nhà hoạt động đã xây dựng? Thử hỏi, nếu hình ảnh người phụ nữ - được xem là nhóm yếu thế trong xã hội, bị xây dựng là những kẻ mê trai, thích tình dục, ăn mặc lòe loẹt trên màn ảnh và đem về doanh thu tiền vé hàng chục tỷ đồng thì liệu khán giả có cho đó là bình thường?
 
Chọc lét một lần thì còn cho là vui, chứ còn cái kiểu chọc lét như Thái Hòa từ phim này đến phim khác thì tôi cho là nhây và rõ ràng là ‘Để Hội tính’ dở hơn rất nhiều so với phần 1”.

 
Jessica Nguyễn, một người chuyển giới nổi tiếng tại Sài Gòn

Jessica Nguyễn, 24 tuổi, trưởng nhóm J’S Band – một nhóm biểu diễn của những người chuyển giới tại Sài Gòn, cho biết: 
 
“Nếu xét dưới góc độ một khán giả yêu điện ảnh, tôi thấy ‘Để Mai tính 2’ không hay, dở hơn rất nhiều so với phần 1. Còn nếu xét dưới góc độ là một người chuyển giới thì tôi thấy nhân vật Hội cũng… bình thường. Thậm chí còn có rất nhiều chi tiết miêu tả đúng về người chuyển giới, ví dụ như đức tính hy sinh vì người mình yêu. 
 
Duy chỉ có cái cảnh bước vào phòng giam là tôi không thích và đạo diễn rõ ràng là đã làm quá. Thử hỏi có người nào trên đời này đang ở trong tù mà muốn ở lại chỉ vì… mê trai? Sau vụ việc một người chuyển giới trong trại Chí Hòa bị kỳ thị khi giam chung với đàn ông dị tính đưa lên báo thì tôi thấy chi tiết này đã bị khoa trương theo chiều hướng tiêu cực. Sẽ có bao nhiêu khán giả đủ tỉnh táo để phán xét đây chỉ là chi tiết hư cấu? Hay sẽ nói là ‘À, người chuyển giới cần gì giam riêng, nó thích rành rành ra đấy thôi?’. Phim ảnh, nó ảnh hưởng nhiều đến chúng ta hơn chúng ta nghĩ đấy”.

 
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, tác giả của "Khóc giữa Sài Gòn" và là một người đồng tính nam công khai, khá bức xúc: "Nếu cần coi một cái phim mắc cười kiểu đơn giản, coi xong chả còn nhớ gì trong đầu và chưa từng coi những phim như 'Để Mai Tính' hay 'Tèo Em' thì có thể mua vé coi phim này gọi là giải trí. Còn nếu ai đòi hỏi một bộ phim hài cười xong còn thấy chua cay, cười xong ngẫm lại vẫn nhói trong lòng, cười xong thấy sao mà tiếng cười vẫn chua chát, cười nhưng vẫn cần chiều sâu, thì làm ơn đừng mua vé cho 'Để Mai Tính 2'. Vì tôi coi phim, trong khi nhiều người xung quanh cười ầm ầm, tôi cũng chỉ nhếch mép được vài lần.
 
Nếu nói phim này làm ô nhục người đồng tính, chuyển giới gì đó, thì tui thấy cũng không hẳn. Phim nói về 'một cá nhân' tên Hội, chứ không nói về 'tập thể người chuyển giới'. Ở ngoài đời, tôi biết khá nhiều cá nhân tính tình còn lố hơn chị Hội trong phim, nên nói chuyện bôi nhọ là không chính xác. Nhưng, rõ ràng rằng khi coi phim xong, có nhiều người thốt lên cái câu, 'Đúng là bê-đê!' thì rõ ràng phim này đưa cho người ta cái suy nghĩ 'Người đồng tính đều giống những gì Hội thể hiện'.
 
Chuyện phim tui thấy nó... nhảm. Đồng ý rằng với phim hài thì không nên đòi hỏi một câu chuyện quá hay, nhưng để ý coi 'Cô dâu đại chiến' hay 'Âm mưu giày gót nhọn' nó vẫn là một bộ phim hài và nội dung của nó... hay. Thậm chí, so với 'Để Mai Tính' thì rõ ràng kịch bản cũng có những thứ khiến người ta suy nghĩ về tình yêu về sự hi sinh này nọ, còn cái này, chỉ duy nhất một từ là... nhảm!
 

Nói thật, điệu bộ và cách diễn này từ Hội 1 cho đến Long Ruồi rồi đến Trâm (Cưới ngay kẻo lỡ) cho đến Tèo Em, Hội 2... đều thấy một nét diễn y chang, cho nên nhiều người khó tính sẽ không cười được. Trên một tổng thể chung, khó có thể nói "Để Mai Tính 2" là một phim không thành công. Vì nếu xét riêng trên góc độ phim hài, nó gây cười tốt và được chăm chút hình ảnh tốt hơn dù nội dung nhảm ngang ngửa dòng phim hài Tết của Phước Sang cách đây nhiều năm.
 
Về mặt cá nhân là một sản phẩm của đạo diễn Charlie Nguyễn, theo tôi thì đây là một bước thụt lùi sau bước dậm chân tại chỗ mang tên 'Tèo Em' năm ngoái. Và nếu còn tiếp tục lôi kéo kiểu nhân vật như Hội ra để gây cười, tôi tin rằng thất bại sẽ kéo đến với anh Charlie nhanh hơn anh tưởng.
 
Còn đây là chuyện ngoài lề. Ngồi đằng sau tôi là một cô gái cứ mỗi cảnh phim là buông lời bình luận: 'Cái váy xấu quá', 'Anh này đẹp trai quá má ơi', 'Bê-đê nhìn thấy gớm quá kìa mày', cùng nhiều câu khác được nói với âm lượng đủ cho 10 người xung quanh nghe."

 
Huỳnh Minh Thảo

Trong khi đó, Huỳnh Minh Thảo - giám đốc truyền thông của trung tâm ICS và là một người đồng tính nam công khai, lại có suy nghĩ khác: 
 
"Thứ nhất, 'Để mai tính 2' là bộ phim đầu tiên tại Việt Nam lấy người chuyển giới làm trung tâm. Trước đây không ít bộ phim có nhân vật người chuyển giới, nhưng đa phần đều là vai phụ, điểm nhấn chọc cười cho bộ phim, chứ chưa từng có phim nào mà lại 'nhấn' nguyên phim như vầy!
 
Thứ hai, mình cũng ko xem hết các phim của Thái Hoà đóng, nhưng mình thừa nhận 'Để Hội Tính' là bộ phim dở nhất mà mình từng xem của Thái Hòa. Nó lủng củng và chấp vá. Coi phim không cảm thấy đủ mượt mà duyên dáng như phần 1. Nó làm mình cái cảm giác là 'vừa làm vừa sợ chửi'. Chắc từ vụ Tèo Em, bản thân Thái Hòa cũng có phần nào lo lắng đến phản ứng người LGBT khi làm phim về họ (còn lo được bao nhiêu thì mình không rõ). Cốt truyện hay, nhưng nội dung phim thì chưa đến. 
 
Thứ ba, người chuyển giới hiện tại có như Hội hay không? Hội có làm tổn thương họ không?Đây là câu chuyện của 'nhóm người', 'cộng đồng', nên mình không trả lời dùm, mà muốn để chính các bạn chuyển giới nhìn vào. Cá nhân mình, nhân vật Hội rất chuyển giới, thậm chí là một chuyển giới dễ thương. Nếu Hội thật sự có ở ngoài, mình rất mong muốn để kết bạn với chị! Mình rất không đồng tình với một vài phản ứng chung chung theo kiểu 'không coi nhưng thấy tổn thương', vì nếu tổn thương thì ít nhất phải nói điều gì làm bạn tổn thương?
 
Thứ tư, việc hài hước có liên quan đến sự tử tế hay không, có liên quan đến việc châm biếm, phê phán hay không chắc nhiều người cũng hiểu. Bản thân Mr.Bean nổi tiếng toàn thế giới vì đem mình ra làm trò vui, thậm chí đem người ngớ ngẩn ra làm trò vui, vì ngoài đời, ông hoàn toàn ngược lại vậy, vậy Mr.Bean châm biếm người ngớ ngẩn? Mình không nghĩ vậy, thậm chí. Mình cảm nhận nhân vật Bean đó rất đáng yêu, một vài lúc hơi lố và gớm gớm (vì ở dơ), nhưng đa phần đều thể hiện ở việc họ không xấu xa, không đáng ghê sợ. Đó là lý do vì sao Mr.Bean nổi tiếng khắp thế giới.
 
Thứ năm, một bộ phim khác không hài hước, nhưng cũng đâu có phản ánh đúng gì hết về người đồng tính, đó chính là 'Hotboy nổi loạn'. Người đồng tính trong đó ủy mị, chỉ có bế tắc, tìm đến cái chết, làm trai gọi... Nhưng chắc vì Hồ Vĩnh Khoa quá đẹp, cảnh quay quá đẹp và các tình tiết sướt mướt của Vũ Ngọc Đãng làm quá tới, cho nên được đặt cách cho qua chăng?
 
Quay về với 'Để Mai Tính', đây là một tác phẩm bình thường, không hay không dở, nếu xét theo những nấc thang, thì nó đi xuống so với những tác phẩm trước của Thái Hòa và ê kíp. Tuy nhiên, còn nếu nói nó là một sự sỉ nhục với cộng đồng người chuyển giới thì mình thấy cần xem lại".
 

Lương Thế Huy, cán bộ của viện iSEE phát biểu tại hội thảo do Bộ tư pháp và USAID tổ chức, đề nghị bảo vệ quyền của người chuyển giới được đổi tên, quyền thay đổi giới tính và thay đổi nhân thân trên giấy tờ, và quyền lựa chọn giới tính thứ ba.
Tuy nhiên, theo anh Lương Thế Huy - cán bộ pháp lý chuyên về quyền LGBT của Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường, lại có góc nhìn khác: 
 
"Cách đây không lâu, một cán bộ tư vấn pháp luật từng nói với tôi rằng nhiều người chuyển giới nữ cố tình phạm tội để được giam chung với nam vì ở ngoài họ không có cơ hội sàm sỡ và nhìn ngắm nhiều người nam như trong trại giam. Thực tế, việc giam chung như vậy là cực hình, vì họ có thể bị lạm dụng tình dục hàng ngày đầy đau đớn. Chắc hẳn ông sẽ rất hả hê khi thấy điều mình nói là đúng ở trong nhân vật Hội"
(MTG)





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật