đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Hồ Trung Dũng: “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”

Đăng ngày 20/11/2014

Cuộc sống vốn là một chặng đường dài để khám phá về bản thân, rất ít ai có thể hiểu rõ được khả năng tiềm ẩn trong con người mình để chọn đúng được cho mình một nghề nghiệp yêu thích, và quan trọng nhất, là sống với đam mê ấy. Hình ảnh người Thầy, người Cô được ví von như những người đưa đò, những chuyến đò tri thức mang theo tình yêu thương bao la như ngọn lửa ấm, cứ lặng lẽ xuôi theo thời gian, ươm mầm cho những hạt giống tâm hồn của bao thế hệ. Ký ức đó chính là tài sản, là hành trang vô giá của cuộc sống này.

(TGGĐ)Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, TGGĐ có dịp trò chuyện với thầy giáo trẻ đặc biệt, anh vừa là giảng viên Đại Học với chuyên ngành Ngữ văn Đức, vừa là một MC khá hoạt ngôn, và là một ca sĩ được yêu quý với hình ảnh lịch lãm: Hồ Trung Dũng.


Vai trò của một giảng viên không chỉ là dạy kiến thức mà còn là truyền lại kỹ năng sống.





Có lẽ thông tin về nghề nghiệp của Hồ Trung Dũng không còn lạ, nhưng anh có thể chia sẻ thêm về lối rẽ sang con đường âm nhạc từ sự nghiệp giảng dạy của mình hay không?
(cười) Thật ra, tôi bước vào con đường ca hát cũng là một cái duyên tình cờ, mọi thứ cũng tự đến, tôi còn nhớ là sau khi đi dạy khoảng 5 năm, tôi bắt đầu nghĩ là mình sẽ làm một việc gì đó khác hơn so với việc đi dạy, bởi vì những cái mình muốn làm trong sự nghiệp giảng dạy thì mình cũng đã làm gần hết rồi, và khi tưởng tượng là sau mấy chục năm nữa, đến lúc 50, 60 tuổi mà mình vẫn như ngày hôm nay thì tôi thấy hoang mang lắm! Và rồi tôi suy nghĩ xem là mình muốn làm gì, cuối cùng thì tôi quay về với đúng con người mình, với đam mê lớn nhất của mình, là ca hát. Niềm đam mê ca hát này ngày càng rõ ràng hơn, sau thời gian tôi tham gia hát bè trong nhóm Cadillac. 


Con đường âm nhạc của Hồ Trung Dũng khá trầm lắng, nhiều ý kiến nhận xét như vậy, anh nghĩ mình được và mất gì ở sự trầm lắng đó?

Có thể khi nhìn tôi trên sân khấu hay đọc các phát ngôn trong bài phỏng vấn trả lời báo chí thì nhận xét đó không sai. Tôi không phản đối, nhưng tôi nghĩ đó là cách nhìn chưa toàn diện lắm. Vì đối với tôi, trầm lắng hay nổi loạn nó không nằm ở chỗ là mình có phát ngôn gây sốc hay không, hoặc mình có lên sân khấu nhún nhảy nhiều hay không; mà nó là cách mình đặt cảm xúc vào mỗi ca khúc mình hát, khi tôi hát cảm xúc luôn là điều quan trọng nhất, đó chính là “lửa” và đó là điều không trầm lắng chút nào.

Những ai đã từng dõi theo tôi trước giờ, hoặc có dịp nói ngồi trò chuyện, hoặc đã đến xem và nghe những đêm nhạc của riêng tôi, sẽ nhìn thấy và hiểu rõ hơn về góc nhìn khác này thôi! Ngoài sự trầm lắng mà tôi dành cho những ca khúc trữ tình, còn có nhiều sự phá phách nho nhỏ khác. Chẳng qua vì với mỗi dòng nhạc, tôi sẽ phải có hình ảnh thể hiện cho phù hợp, tuy nhiên để mô tả ngắn gọn thì xem như Hồ Trung Dũng là tổng hòa của các mảng đối lập. Vì vậy chính bản thân tôi, ngoài dòng nhạc trữ tình thì cũng muốn phát triển dòng nhạc Jazz song song, bởi gần như khi kết hợp thì sự thể hiện đó sẽ nói rõ về con người và cá tính của tôi nhất. Với nhạc trữ tình, mọi người cần sự tĩnh lặng và chiêm nghiệm, thì ở nhạc jazz, chúng ta lại cần chút gì đó nổi loạn , đúng hơn là cần có sự ngẫu hứng. Khi hai con đường đó kết hợp lại, sẽ là một HTD toàn diện nhất.

Một giảng viên đại học lại là một người nổi tiếng, anh gặp thuận lợi và áp lực gì khi đứng trên giảng đường?
Quả thật là rất áp lực chứ! Áp lực đầu tiên là thời gian, tôi buộc phải sắp xếp thời gian để đảm bảo chất lượng cho cả hai công việc, điều đó thật sự không hề dễ dàng.

Áp lực thứ hai là sự tách bạch rõ ràng giữa hai vai trò, một bên là giảng viên, một bên là ca sỹ. Cái khó xử không phải từ tôi, mà từ các bạn sinh viên. Trong mắt sinh viên, đặc biệt là đối với những bạn lần đầu tiên học giờ tôi dạy, đa số sẽ có tâm trạng là chưa phân biệt được mình chuẩn bị đối diện với ai. Các bạn có thể biết đến hình ảnh ca sĩ của tôi nhiều hơn, nên ít nhiều cũng tò mò và thắc mắc là không biết tôi sẽ dạy kiểu gì, chính các bạn sẽ không tập trung khi có một hình dung trước như thế. Tôi muốn trong mắt khán giả của mình, cả khán giả sinh viên lẫn khán giả âm nhạc phải cảm nhận được sự khác biệt đó. Khi đứng trên sân khấu tôi chỉ muốn khán giả thấy đó là ca sĩ Hồ Trung Dũng với những sản phẩm âm nhạc, còn khi bước vào lớp và đứng trên bục giảng thì tôi chỉ muốn học trò nhìn thấy Thầy Dũng, chứ không phải ca sĩ đi dạy.

Để đạt được điều này, thì thử thách đầu tiên mà tôi phải quan tâm đó là làm tròn vai trò của mình trong cả hai lĩnh vực, từ cách xây dựng hình ảnh cho đến cách ứng xử, phải cân nhắc sao cho phù hợp với vai trò mà mình đang đảm nhận.

Có một thuận lợi khác, tôi nghĩ đây là cơ hội để tôi chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên của mình, đó là khi bước vào lớp với những thành công mà tôi đã đạt được, hoặc những câu chuyện về nghề, về ứng xử trong cuộc sống, thì lời nói của tôi đối với các bạn sinh viên cũng có giá trị cao hơn. Vì rõ ràng, giáo dục cần đi đôi với thực tế, và khi tôi đưa ra những lời khuyên về cách sống, cách làm việc, thì vai trò của một giảng viên lúc ấy không chỉ là dạy kiến thức mà còn là truyền lại kỹ năng sống.



“Vợ con em giờ cũng là fan của Thầy”


Có kỷ niệm nào của thời học trò mà đến bây giờ vẫn còn để lại kỷ niệm cho anh không, ví dụ như một bài hát, hay vô tình đi ngang qua trường cũ thì các kỷ niệm đó sẽ gợi lại ký ức một thời…
Đến tận bây giờ thì ký ức về tuổi học trò đối với tôi rất đẹp, khi mình lớn hơn, mình già đi, mình càng nhớ về thời gian đó. Đặc biệt là những kỷ niệm thời sinh viên, thời học trò vẫn còn gắn bó với tôi, vì hiện nay tôi đang là một giáo viên, được sống và trải nghiệm lại ký ức qua một lăng kính khác. Cứ mỗi khi hè đến, khi thấy các bạn mặc đồ tốt nghiệp ra trường, rồi lên kế hoạch đi chơi, v.v… thì tôi cũng cảm thấy nôn nao và hay nhớ những kỷ niệm ngày xưa.

Thật sự thời gian mà tôi nhớ nhất trong tuổi học trò không phải là thời cấp 3, mà là cấp 2. Lúc đó tôi học trường Colette, chuyên Toán. Trường Colette đặc biệt hơn những trường khác là không có cây phượng, có một cây mà nhỏ xíu và nằm trong góc… Sân trường thì nhỏ thôi nhưng có tới 6 cây điệp cổ thụ, và cứ mỗi mùa hoa điệp nở thì nhà trường cũng tâm lý là không bao giờ quét sân, mà cứ để hoa điệp rụng đầy xuống sân trường, vàng rực cả sân luôn, đẹp lắm! Thú vị nhất là khi đứng trên lầu nhìn xuống, thấy học sinh các lớp dùng hoa điệp để xếp chữ, xếp tên lớp mình, hay xếp tên  này tên kia, rồi xếp trái tim … Lúc đó cũng có khi tôi xếp tên ai kia nhưng mà không dám xếp hết tên, xếp xong rồi xóa liền vì sợ người khác thấy.


Trong mắt học trò, thầy giáo Hồ Trung Dũng là người thầy thế nào, nghiêm khắc, lãng mạn hay dễ tính?

Có lẽ điều này phải hỏi sinh viên thì rõ nhất, nhưng theo những thông tin mà tôi nghe được đâu đó phản hồi lại thì Thầy Dũng là thầy giáo khó tính, nhưng thân thiện, hết mình, nghiêm túc và có chút lãng mạn.

May mắn là sự lãng mạn đó chỉ được thể hiện trên sân khấu thôi, chứ không phải được nhìn thấy trên giảng đường. Trong gần 10 năm đi dạy, tôi có lượng khán giả trung thành từ học trò của mình rất nhiều, có một số bạn sinh viên âm thầm là khán giả trung thành của tôi, sau này khi không còn học nữa, nhưng họ vẫn dõi theo con đường tôi đi và âm thầm ủng hộ. Thậm chí có nhiều bạn còn “lôi kéo” vợ con, gia đình trở thành khán giả của tôi, và rất tự hào “Vợ con em giờ cũng là fan của Thầy” (cười) Điều đó không dễ gì có được, tôi nghĩ vậy, và rất trân trọng.


Vậy còn trường hợp bị học trò "tấn công" bằng tình cảm thì sao?
Àh, riêng trường hợp này thì tôi bị “tấn công” nhiều lắm (cười). Như lần gần đây nhất, sau một thời gian vắng mặt vì dành thời gian cho việc ra mắt album mới Một đời yêu tại Hà Nội, tôi quay lại trường và khi vừa bước chân vào lớp, thì cả lớp đã hò hét “Thầy, em chúc mừng Thầy ra album! Chúc mừng Thầy” – Với tôi, đó là sự “tấn công” bằng tình cảm dễ thương nhất, vì tôi cảm nhận được sự chân thành trong cái nghịch ngợm đó của học trò mình.




Ngay trong thời điểm hiện tại, thì ca hát là nghề chính, và giảng dạy là nghề phụ của anh, nhưng nghề nghiệp nào cũng cần đam mê, quan trọng nhất là mình biết cách sống với đam mê đó, anh đồng ý chứ!?

Tôi đồng ý! Cái khó là mình cần đặt tình yêu và cảm xúc đúng chỗ. Bởi ví như chính bản thân tôi cũng luôn mong muốn được sống một đời với tình yêu của mình – Tình yêu âm nhạcTình yêu ngôn ngữ.


Tôi nghĩ chúng ta không nên gò khái niệm “tình yêu” vào khuôn khổ, đó là đề tài quá rộng. Cá nhân tôi, tôi có những sự quan tâm dành cho âm nhạc, sự nghiệp, gia đình, bạn bè, v.v… đó là tình yêu lớn của tôi và tôi cố gắng cân bằng tất cả. Sự cân bằng đó tôi xem như thói quen, vì tôi còn rất nhiều những đề tài khác, về những khoảnh khắc, những cảm nhận trong cuộc sống để chia sẻ với mọi người những niềm vui nỗi buồn. Mục tiêu âm nhạc của tôi là để nỗi buồn vơi đi, để mọi người thấy rằng mình có một sự đồng cảm từ ai đó, và có lối thoát để nhẹ lòng hơn. Còn mục tiêu khi đứng trên bục giảng của tôi là đào tạo được những thế hệ trẻ sau mình thật tốt chuyên môn và nhân cách. Vì con người, đâu chỉ cần có kiến thức, mà còn rất cần nhiều kỹ năng khác, đó chính là lý do mà tôi không e ngại gì khi truyền đạt gần như tất cả những kỹ năng và kiến thức tôi có cho sinh viên của mình.


Trong vị trí một người Thầy, anh có nhắn nhủ gì đến học trò của mình hay không?
Có lẽ tôi chỉ nói ngắn gọn thôi! Tuy rằng thời gian do mình định nghĩa, chứ không phải hoàn toàn nó định nghĩa cho mình, nhưng mỗi người chỉ có duy nhất một cơ hội để sống. Các bạn đang được sống và học tập trong một môi trường tốt, và thời điểm này hãy xem sự học của chính mình là một tình yêu lớn, hãy sống hết mình với tình yêu đó! Và đó chính là điểm khởi đầu, bởi sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi.

Dĩ nhiên, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Hồ Trung Dũng cũng xin kính chúc tất cả các quý Thầy Cô một ngày thật hạnh phúc ấm áp trong tình thân của học trò và đồng nghiệp, cũng như thật nhiều sức khỏe để đi thật lâu trên con đường truyền đạt kiến thức, ươm mầm cho thế hệ trẻ mai sau.

 HA






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật