đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Giải mã... mùi hôi cơ thể

Đăng ngày 26/10/2014

Đừng vội đổ lỗi cho việc cơ thể xuất hiện “mùi” là do ở bẩn, lười tắm rửa hoặc không dọn dẹp vùng lông rậm rạp bởi đó chỉ là một trong những lý do khách quan. “Thủ ...

(TGGĐ) - Đừng vội đổ lỗi cho việc cơ thể xuất hiện “mùi” là do ở bẩn, lười tắm rửa hoặc không dọn dẹp vùng lông rậm rạp bởi đó chỉ là một trong những lý do khách quan. “Thủ phạm” chính gây mùi chính là do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Hôi miệng, hôi nách, hôi chân… là những vấn đề khiến nhiều người than phiền nhất. Dù vậy, không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân khiến cơ thể họ “bốc mùi” để từ đó có cách điều trị thích hợp.


SẢN PHẨM CỦA VI KHUẨN VÀ MỒ HÔI

ThS. BS. Lê Thái Vân Thanh, giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP. HCM cho biết, hệ thống tuyến mồ hôi của con người bao gồm tuyến mồ hôi nước, tuyến mồ hôi dầu và tuyến nhờn. Trong đó, tuyến mồ hôi nước hiện diện khắp vùng da trên cơ thể, nó tiết ra nước ngay tại những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da, mục đích chính là để điều hòa thân nhiệt. Khi thời tiết nóng bức, con người vận động nhiều sẽ khiến cho mồ hôi tiết ra đủ để giảm bớt nhiệt lượng và làm mát cho cơ thể. Tuyến mồ hôi nước được hình thành từ khi còn trong bào thai, đến lúc em bé ra đời nó mới bắt đầu hoạt động. Nó được điều khiển bởi hệ thống thần kinh giao cảm của con người (vận động ngoài ý muốn chủ quan, tùy vào môi trường, cảm xúc để vận hành theo cách riêng chứ không theo ý muốn con người) và thường tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân.

Còn tuyến mồ hôi dầu tập trung ở một số vùng như nách, quầng vú, bẹn, quanh rốn, có ống dẫn ra tại các nang lông để tiết chất dầu nhằm nuôi dưỡng, giữ thông thoáng cho nang lông. Bản thân tuyến mồ hôi dầu không có mùi nhưng do nó có chứa các thành phần như tinh thể của chất béo (cholesterol, a-xít béo), tinh thể natri, kali, men tiêu hủy chất đạm, kim loại nặng… Đây đồng thời lại là thức ăn cho các chủng vi sinh vật thường trú trên da khiến chúng phát triển và sản sinh ra sản phẩm chuyển hóa của vi sinh vật, dễ tạo nên mùi.

Tuyến bã nhờn được điều khiển bởi nội tiết tố trong cơ thể, thường có nhiều ở mặt, sau tai, vùng trước ngực, liên bả vai… Khi chất nhờn tiết quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và cũng tạo mùi khó chịu. 


MÔI TRƯỜNG KHÁCH QUAN

Mồ hôi sẽ tiết ra nhiều khi có các kích thích từ môi trường bên ngoài như nắng nóng, vận động thể lực, hút thuốc lá, uống rượu và ăn đồ ăn cay… Ngoài ra, yếu tố tình cảm như căng thẳng, xúc động, lo sợ… đều có thể khiến tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn nên dễ gây “mùi”.

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây “mùi” còn do việc vệ sinh thân thể kém; mặc quần áo bẩn, vi khuẩn tiếp tục phát triển trong quần áo sẽ tạo ra mùi hôi rất nặng; dùng sản phẩm khử mùi không đúng. Nếu như để lòng bàn chân thông thoáng thì tuyến mồ hôi nước tiết ra thường không có mùi, mùi khó chịu chỉ xuất hiện khi tuyến mồ hôi bị bưng bít và chính điều kiện ẩm ướt đã làm cho vi khuẩn, vi nấm trên da phát triển, tạo mùi.


“MÙI” NẶNG HƠN Ở TUỔI MÃN KINH?

Thông thường, đến tuổi dậy thì, tuyến mồ hôi dầu và tuyến bã nhờn bắt đầu hoạt động và sẽ phát triển mạnh nên cơ thể thường có mùi nồng và rõ rệt hơn. Nhất là khi thời tiết nóng nực, oi bức, cơ thể đào thải ra nhiều mồ hôi cũng khiến mùi hôi phát tác mạnh mẽ. Đến tuổi trung niên, các tuyến nội tiết trong cơ thể đã teo lại và suy giảm khả năng hoạt động nên mùi sẽ giảm dần. Tuy nhiên khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh mồ hôi lại ra nhiều hơn nên mùi cơ thể trở nên nồng nặc hơn. Nguyên nhân là do nội tiết tố estrogen giảm thấp, ảnh hưởng và chi phối đến việc bài tiết tuyến bã nhờn.


MỖI NGƯỜI 1 MÙI HƯƠNG

Do vi khuẩn cư ngụ trên da của mỗi người  khác nhau, tạo ra một hệ khuẩn chí riêng ở từng người nên mỗi người sẽ có một mùi đặc trưng. Mùi hương trên cơ thể của mỗi người có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, giới tính, sức khỏe và bệnh tật. Ngoài ra, mùi hôi nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ tiết mồ hôi của từng người. Một ngày con người có thể tiết đến 3 lít mồ hôi nếu bị kích thích tối đa, người tiết mồ hôi ít thường dưới 0,5mmgam/10cm2 mỗi 3 giờ, tiết nhiều là từ 1,5 - 4mmgam/10cm2 mỗi 3 giờ.

HUY NGUYÊN


BẠN CÓ BIẾT

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, mùi từ cơ thể của một người có thể là dấu hiệu cho biết người đó đang mắc một số căn bệnh như:

- Những người bị bệnh đái tháo đường thường có mùi hơi thở như mùi sơn móng tay.

- Bệnh suy gan làm cho hơi thở của người bệnh có mùi tanh của cá.

- Rubella có thể làm cho mùi mồ hôi giống như mùi lông thú.

- Người bị tâm thần phân liệt có mùi mồ hôi chua giống như giấm.

- Thương hàn làm da có mùi giống như bánh mì mới nướng.

- Bệnh sốt vàng da có thể khiến da bệnh nhân có mùi giống như thịt sống.

- Bệnh nhiễm trùng hạch bạch huyết làm cho cơ thể bệnh nhân có mùi của bia.

(Theo www.dailymail.co.uk)

 

 

 






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật