đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Bài học chăm sóc người cao tuổi

Đăng ngày 26/10/2014

Trước những vấn đề thường gặp với người cao tuổi về sức khỏe, trí tuệ, tâm lý... TGGĐ liệt kê một số bí quyết, cách để giúp cuộc sống người lớn tuổi vui, an toàn, ...
(TGGĐ) - Trước những vấn đề thường gặp với người cao tuổi về sức khỏe, trí tuệ, tâm lý... TGGĐ liệt kê một số bí quyết, cách để giúp cuộc sống người lớn tuổi vui, an toàn, tiện lợi hơn. 
 
Các bác sĩ vẫn dặn dò, nhà có người lớn tuổi, đừng đợi đến khi xảy ra sự cố mới tiếc nuối. Cần chăm sóc sức khỏe của họ một cách hệ thống bằng cách khám sức khỏe định kỳ, thận trọng với các nguy cơ gây tổn hại sức khỏe từ môi trường sống. Ngoài ra, còn cần khuyến khích người lớn tuổi tham gia các hoạt động xã hội để gia tăng sự hạnh phúc.
 
 
 
Người lớn tuổi cần một ngôi Nhà an toàn 

Nhiều người lớn tuổi gặp những sự cố trượt chân, té ngã, bỏng nước sôi... trong chính ngôi nhà của mình. Hãy giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, việc đi đứng của ông bà từ chính không gian quen thuộc này. Dưới đây là một vài nguyên tắc bạn nên ghi nhớ.
 
Nhà bếp
1. Chuẩn bị thức ăn nhẹ, một số loại trái cây yêu thích, loại thức uống tốt cho sức khỏe trong nhà để người lớn tuổi tiện dùng. 
2. Chuẩn bị một ấm đun nước điện trong nhà để phụ huynh tiện nấu nước pha trà hay cà-phê.
3. Để các vật dụng cần thiết ở độ cao vừa phải. Các vấn đề với xương khớp, huyết áp của người cao tuổi có thể khiến họ khó khăn khi cúi xuống hay trèo cao. Tốt nhất nên đặt đĩa, ly, tách ở vị trí ngang eo của họ.
4. Dùng các vật dụng khó vỡ để tránh trường hợp đổ bể do người lớn tuổi làm rơi. 
5. Chế biến những loại thực phẩm dễ tiêu, thức ăn nấu chín cho họ cần dễ nhai và không cay.
 

Nhà tắm
1. Nên bố trí thanh vịn gần vị trí nhà tắm, bồn cầu phòng nguy cơ té ngã và hỗ trợ người lớn tuổi tiện đứng lên, ngồi xuống.
2. Sàn của phòng tắm phải được lát bằng loại gạch chống trơn trượt. Thảm chân ngay trước cửa nhà tắm cũng nên là loại chống trơn trượt.
3. Phòng tắm nhất định phải có đèn chiếu sáng tốt.
4. Nên trang bị dép nhựa có răng chống trơn trượt cho người lớn tuổi khi đi lại khu vực ẩm ướt trong nhà, hạn chế việc dùng lại những đôi dép xốp, cũ, mòn gót.
 

Phòng ngủ
1. Nên đặt một chiếc đèn bàn, một chiếc đèn pin gần giường ngủ của người lớn tuổi.
2. Nên đặt chuông báo gần giường của họ, để họ có thể gọi bạn trong trường hợp khẩn cấp. 
3. Khuyến khích họ đọc sách, nghe đài, xem tivi để cập nhật tin tức, xem những chương trình yêu thích, như một cách giải khuây. 
 

Những lưu ý về vận động, đi lại

Việc vận động, đi lại phù hợp có thể giúp cơ thể người cao tuổi ngăn ngừa mất khối cơ, loãng xương, giảm tích mỡ, giảm bệnh xơ vữa động mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ… Tuy nhiên cần lưu ý những điểm sau:
 
Thời gian: Chỉ nên tập 30 phút/ngày, tránh tập quá lâu. Cần tập đều đặn, thường xuyên, ít nhất 4 ngày/tuần.
 
Hình thức: Cần chọn hình thức vận động yêu thích, phù hợp với sức khỏe. Tuy nhiên nên tập những môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ vừa phải, bơi lội, cầu lông, dưỡng sinh, yoga, thiền... tránh vận động quá mạnh. 
 
 Cảnh giác: Hạn chế tập luyện nhiều khi cơ thể không khỏe mạnh, nên tập vừa sức, khi cảm thấy mệt thì nghỉ ngơi ngay. Tránh tập khi trời nắng nóng, những hôm nắng nóng nên tập sớm hoặc muộn hơn so với giờ tập bình thường.
 
Đi lại: Hạn chế leo cầu thang cao, cố gắng ngồi lên ghế cao, tránh đi lại nơi dễ trơn trượt, cẩn thận trong phòng tắm để đề phòng té ngã, gãy xương. Nếu tay chân yếu, cảm thấy đi lại khó khăn nên trang bị các dụng cụ hỗ trợ như gậy chống hoặc có người thân giúp đỡ.
 
 
Khám sức khỏe định kỳ

Người lớn tuổi cần được theo dõi cân nặng hàng tháng để điều chỉnh chế độ ăn và vận động, giữ mức cân nặng hợp lý là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh tật, duy trì sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Sau 40 tuổi, nên để họ khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, cao huyết áp hay các bệnh lý mãn tính thường gặp. Trường hợp phát hiện bệnh lý thì chữa trị sớm để cho kết quả điều trị tốt hơn. 
 
Tránh cảm giác cô đơn ở người lớn tuổi

GS. John Cacioppo, trường Đại học Chicago cũng như các nhà khoa học của trường Đại học De Montfort (Anh) cho rằng người lớn tuổi có thể tránh được những hậu quả của sự cô đơn bằng cách giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ, góp mặt vào các hoạt động sinh hoạt chung của gia đình, tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm cũng như các hoạt động tình nguyện... Việc người lớn tuổi có sự kết nối với những người họ quan tâm và những người quan tâm đến họ giúp tăng cường niềm hứng khởi và sự vui sống. 
 
Khi bố mẹ ra ngoài

- Nên sắp xếp người đi theo các cụ. 
- Nếu không, nên lựa chọn những dịch vụ chăm sóc trọn gói, có người hỗ trợ. 
- Nên chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phân chia theo ngày để họ tiện sử dụng. 
- Luôn ghi kèm theo thông tin của người thân, gia đình trên túi xách, điện thoại của họ, phòng khi có sự cố, người khác có thể liên lạc. 
Hoài ân - N. Huyền

Chị Nguyễn Phương Hoa - 25 tuổi, Q. Thủ Đức, TP. HCM:
"Vợ chồng tôi ở chung với mẹ chồng, bà đã 60 tuổi. Có lẽ do bố chồng tôi mất sớm, một mình mẹ phải gánh vác trách nhiệm nuôi hai đứa con khôn lớn nên mẹ sống rất tiết kiệm, nhạy cảm, đôi khi hay tự ái vì một câu nói hoặc thái độ mà mẹ cho là không đúng của con cái. Mà thường mẹ hay để trong lòng nên tôi rất khó đoán ý mẹ ra sao. Biết tính mẹ, tôi hay im lặng rồi gợi chuyện khéo léo, nhắn nhủ mẹ rằng mình còn trẻ người non dạ, có gì không phải mong mẹ góp ý trực tiếp để sửa chữa. Đa số người lớn tuổi rất kén ăn, mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Để mẹ ăn ngon miệng, tôi hay dò hỏi xem mẹ muốn ăn món gì để hôm sau sẽ chế biến. Ngoài ra, mẹ tôi mắc bệnh xương khớp, thời tiết thay đổi lại bị đau, tôi thường nhắc mẹ uống thuốc đúng giờ, xoa bóp giúp mẹ. Nói chung, mẹ là người rất thiếu tình cảm nên làm con cần quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Chỉ cần mình biết ý, tâm lý một chút mọi chuyện trong nhà sẽ êm đẹp."
 
Chị Bùi Bích Thảo - 28 tuổi, Hà Nội:
"Bố mẹ tôi khá kỹ tính. Nhà cửa lúc nào cũng phải gọn gàng, không bám bụi, bếp núc nấu xong dọn dẹp ngay. Có lần tôi quét nhà xong mà quên không để cây chổi về đúng vị trí của nó, mẹ tôi la liền. Nhiều khi bàn ghế tôi mới lau xong nhưng mẹ lại đi giặt khăn lau lại vì nghĩ còn chưa sạch. Bởi vậy tôi thấy khá bất tiện, dù sao mình cũng là người trẻ nên đôi khi cũng phải chểnh mảng, lơ là một chút. Nhưng để dung hòa với bố mẹ, tôi đã cố gắng thay đổi thói quen sống ngăn nắp hơn. Ăn cơm xong không rề rà ngồi nói chuyện hay xem phim mà bưng bát đĩa đi rửa ngay, quần áo bẩn giặt luôn trong ngày… Bên cạnh đó việc ứng xử với bố mẹ cũng phải khéo léo. Bố mẹ tôi đều là những người ít nói nên tôi thường gợi chuyện để tạo không khí trong nhà."





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật